Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường tài chính 24h: "Đi về nơi xa lắm"

(ĐTCK) VN-Index có thêm một phiên giảm sâu, mất hơn 35 điểm; Ngân hàng đồng loạt tăng vốn “khủng”; Doanh nghiệp bảo hiểm “đau đầu” với bài toán đầu tư; Khối ngoại mua lớn, bán nhanh; Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông bị choáng sau thông tin Mỹ điều tra Huawei;  IMF cảnh báo nguy cơ rút vốn ồ ạt khỏi các thị trường mới nổi... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 

VN-Index lại lao dốc

Thị trường trở lại phiên hôm nay trong sắc xanh nhạt, VN-Index vượt qua ngưỡng 1.080 điểm. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, lực bán đã áp đảo, đẩy VN-Index lùi sâu về mốc 1.065 điểm.

Trong phiên chiều, lực bán đã ồ ạt diễn ra ở hàng loạt mã, kéo VN-Index lao dốc và kích hoạt lệnh bán giải chấp diễn ra, nhất là ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, kéo hàng trăm mã giảm giá, trong đó có hàng chục mã giảm sàn, đẩy VN-Index có lúc xuống dưới ngưỡng 1.040 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng đang tư từ hấp thụ lượng cung giá thấp, giúp các chỉ số hãm đà rơi và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng diễn biến thị trường sẽ tích cực hơn trong đợt khớp lệnh ATC.

Nhưng không như ý khi đợt ATC, thậm chí VN-Index còn bị đẩy nhẹ xuống, bảng điện tử chỉ một màu đỏ, trong đó, hàng loạt mã lớn nhỏ giảm về mức giá sàn như GAS, CTG, PLX, BVH, NVL, VHC, HDG, VPB, HBC, SSI, DXG, VND, ANV, HAR, LDG, HVG, KSA, TTF, AGR, TSC.

Nhiều mã khác cũng giảm rất mạnh, thậm chỉ chỉ cách mức giá sàn gang tấc như MSN giảm 6,9% xuống 89.200 đồng (mức sàn là 89.100 đồng); MBB -6,7% xuống 28.500 đồng; HDB giảm 6,2% xuống 42.200 đồng; VRE giảm 5,2% xuống 45.500 đồng; VCI  giảm 6,7% xuống 88.600 đồng; STB giảm 5,7% xuống 13.350 đồng…

Nhóm cổ phiếu mất từ 4-5% còn có DHG -4,8%; PNJ -4%; MWG -4,6%; HPG -4,5%; REE -4%; BHN -4,8%...

VCB tăng nhẹ trong phiên sáng, đã đảo chiều giảm mạnh 3% trong phiên chiều về 58.200 đồng; BID cũng mất 3,9% xuống 36.500 đồng; TPB 3,6% xuống 29.700 đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm chỉ còn VNM +0,6% lên 181.000 đồng; SAB +0,9% lên 219.000 đồng,  VIC đứng tham chiếu ở mức 127.000 đồng.

Nhóm tăng điểm còn lại trên thị trường chỉ còn ASM, OGC, HHS, HNG, DIG, EVG, và QCG bật tăng từ mức giá sàn.

FRT vẫn duy trì được sắc tím ở 150.000 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ hơn phiên sáng đôi chút, khi tổng cộng có gần 950.000 đơn vị.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng hơn 2,53 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị lại là bán ròng 212,83 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 1,92 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 36,2 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 1,69 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 15,41 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 26/4: VN-Index giảm 35,88 điểm (-3,32%), xuống 1.044,86 điểm; HNX-Index giảm 6,14 điểm (-4,9%), xuống 120,12 điểm; UpCoM-Index giảm 1,37 điểm (-2,41%), xuống 55,69 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 8.199 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Sau phiên giảm mạnh hôm thứ Ba do lo ngại lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên mức cao nhất 4 năm sẽ gây áp lực lên lạm phát, nợ công, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của các công ty, phố Wall có phiên lình xình trong ngày thứ Tư khi nhà đầu tư vừa lo lắng về lãi suất trái phiếu tăng cao, lai vừa hưng phấn với kết quả kinh doanh quý I khả quan của các doanh nghiệp.

Cả 3 chỉ số chính của phố Wall giằng co nhẹ quanh ngưỡng tham chiếu, trong đó Dow Jones và S&P 500 kịp đóng cửa với sắc xanh, còn Nasdaq thiếu chút may mắn.

Về diễn biến của một số cổ phiếu đáng chú ý, cổ phiếu của Boeing tăng mạnh 4,2%, Facebook tăng, Comcast cũng tăng 2,7% sau khi các hãng này công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo.

Trong khi đó, cổ phiếu Caterpillar giảm 6,2% dù kết quả kinh doanh khả quan, nhưng giới đầu tư lo ngại chi phí sẽ tăng cao hơn trong tương lai.

Theo dữ liệu của Thomson Reuters, trong số 31% số doanh nghiệp trong S&P đã công bố lợi nhuận đến thời điểm này, có 81,2% số doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn hoặc như dự báo.

Các nhà phân tích dự đoán, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I sẽ tăng trưởng 22%.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Dow Jones tăng 59,70 điểm (+0,25%), lên 24.083,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,84 điểm (+0,18%), lên 2.639,40 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,62 điểm (-0,05%), xuống 7.003,74 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,5% lên 22.319,61 điểm. Topix tăng 0,3% lên 1.772,13 điểm.

Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Tokyo Electron đã tăng 8,4% và là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường, sau khi dự báo lợi nhuận tăng 30% lên 366 tỷ yên cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019.

Nhóm cổ phiếu khác liên quan đến chip cũng được tìm mua với Tập đoàn Advantest tăng 2,6%, Sumco Corp tăng 3,6% và Screen Holdings tăng 2,8%.

Monex Group tăng 18% sau khi Công ty mẹ Coincheck Inc cho biết ước lợi nhuận đạt 53,7 tỷ yen (491 triệu USD) cho năm tài chính vừa qua, so với 719 triệu yên của năm trước.

Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm khi các nhà đầu tư hoảng sợ khi có thông tin Mỹ điều tra Huawei, gây ra sự bán tháo các cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,4% xuống 3.075,03 điểm. Chỉ số CSI300 blue-chip giảm 1,9% xuống 3.755,49 điểm.

Các công tố viên Hoa Kỳ tại New York đã mở một cuộc điều tra để xem liệu công ty công nghệ Trung Quốc của Huawei có vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran hay không.

Chỉ số theo dõi các công ty CNTT và viễn thông đóng cửa lần lượt  giảm 2,8% và 2,5%.

Sự sụt giảm 9% của nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Gree Electric cũng đã thêm phần áp lực lên thị trường, sau khi thông báo không trả cổ tức bằng tiền mặt lần đầu tiên kể từ năm 2007.

"Nhà đầu tư phải thận trọng trong thời điểm này, vì chúng tôi không thấy bất kỳ ngành nghề đầu tư bền vững nào", Chen Xiaopeng, một nhà phân tích của Sealand Securities cho biết.

Tuy nhiên, Chen cho rằng việc giảm mạnh của thị trường chỉ là phản ứng nhất thời trong ngắn hạn, khi các nhà quản lý có thể tung ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn để bảo vệ những tổn thất của các khoản đầu tư bên ngoài.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm thuế để hỗ trợ các công ty nhỏ và các công ty công nghệ, với 7 biện pháp dự kiến sẽ dẫn đến cắt giảm hơn 60 tỷ nhân dân tệ tiền thuế.

Chứng khoán Hồng Kông cũng mất điểm sau thông tin từ việc Mỹ điều tra Huawei.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,1% xuống 30.007,68 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,2%, xuống 11.949,38 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 1,5%, ngành CNTT giảm 1,61%, tài chính giảm 1,08%, bất động sản giảm 0,59%.

Cổ phiếu tăng điểm lớn nhất là WH Group Ltd tăng 1,28%, trong khi mất điểm nhiều nhất là Sunny Optical Technology Group Co Ltd giảm 6,97%.

Nhóm cổ phiếu H tăng điểm cao nhất phieien hôm nay là Great Wall Motor Co Ltd tăng 3,32%, Guangdong Investment Ltd tăng 1,62% và China Communications Construction Co Ltd tăng 1,14%.

Nhóm cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất có  Bảo hiểm P&C ZhongAn Online giảm 4,70%, China Vanke Co Ltd giảm 4,1% và Tập đoàn Bảo hiểm Ping An giảm 3,8%.

Kết thúc phiên 26/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 104,29 điểm (+0,47%),lên 22.319,61  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 320,47 điểm (-1,06%), xuống 30.007,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 42,94 điểm (-1,38%), xuống 3.075,03 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.805 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm từ 40.000 đến 60.000 đồng/lượng so với ngày 24/4. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,61 - 36,81 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.537 đồng/USD, tăng 15  đồng so với ngày hôm trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.735 - 22.805 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Ngân hàng đồng loạt tăng vốn “khủng”

Tốc độ tăng vốn tự có của các ngân hàng đang chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản trong năm 2017 nên áp lực tăng vốn sẽ cao hơn trong năm 2018, nhất là khi thời hạn áp dụng Basel II đến gần..>> Chi tiết

Doanh nghiệp bảo hiểm “đau đầu” với bài toán đầu tư

Lãi suất trái phiếu Chính phủ xuống thấp, lãi suất ngân hàng cũng khó đi lên trong thời gian tới là các yếu tố có thể ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm..>> Chi tiết

Khối ngoại mua lớn, bán nhanh

Từ đầu năm 2017 đến nay, bất động sản, ngân hàng, dầu khí là những nhóm cổ phiếu nhận được nhiều sự quan tâm của khối ngoại và đa phần trong đó thị giá đã tăng mạnh..>> Chi tiết

Năm “nước rút” 2019, tăng trưởng bao nhiêu là đủ?

Tuy nền kinh tế mới đi qua 1/3 chặng đường của năm 2018, nhưng các bước chuẩn bị cho năm 2019 - năm đóng vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 đã bắt đầu. Câu hỏi đặt ra là, mục tiêu tăng trưởng năm 2019 nên đặt ra bao nhiêu là đủ?..>> Chi tiết

IMF cảnh báo nguy cơ rút vốn ồ ạt khỏi các thị trường mới nổi

Trong một báo cáo vừa công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, các thị trường mới nổi hưởng lợi rất lớn từ việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp trên toàn cầu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan