Trong Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu (Global Financial Stability Report), IMF cho biết, các thị trường mới nổi được hưởng lợi rất lớn từ việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, sự bất ổn về tài chính ngày càng tích tụ nhiều hơn trong thời gian thực hiện lãi suất thấp, nên đang tạo mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro hiện hữu, theo IMF, là cácngân hàng trung ương có thể siết chặt thanh khoản, nên sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường mới nổi.
IMF cho rằng, trong một kịch bản tốt nhất là việc siết dần chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì cũng dẫn đến việc rút vốn rất lớn khỏi các thị trường mới nổi.
Theo tính toán của IMF, nếu như Fed tăng lãi suất lên 3,6% vào đầu năm 2020, thì dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi dự báo giảm bình quân 40 tỷ USD/năm trong năm 2018 - 2019.
Con số trên sẽ còn lớn hơn nhiều, nếu như quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ đi kèm với những rủi ro khác tăng lên. Trong trường hợp đó, dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi có thể lên tới 60 tỷ USD/năm trong cùng giai đoạn, tương đương 25% vốn đầu tư vào các thị trường này trong giai đoạn 2010 - 2017.
Nếu như lạm phát tại Mỹ tăng nhanh hơn kỳ vọng, thì Fed có thể sẽ siết chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ hơn so với dự định trước.
Trong một kịch bản như vậy, các điều kiện tài chính sẽ bị siết chặt đột ngột, tạo hiệu ứng tới các nền kinh tế phát triển và các nước mới nổi, cũng như tác động tiêu cực đến các ngân hàng đang dựa vào nguồn tài trợ bằng USD.