FPT sẽ khó thực hiện việc tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom như Ban lãnh đạo Tập đoàn này mong muốn nếu tiến hành nới room ngoại

FPT sẽ khó thực hiện việc tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom như Ban lãnh đạo Tập đoàn này mong muốn nếu tiến hành nới room ngoại

Nới room, bài toán nhiều toan tính

(ĐTCK) Nếu nới room, FPT sẽ khó có thể thực hiện được kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom.

Câu trả lời này đã đưa ra một thông tin “mới toe”, bên cạnh những lý do cũ kỹ đã được đề cập đến trong câu chuyện được coi là rất phức tạp với FPT.

Tại ĐHCĐ 2016 của FPT, vấn đề nới room đã được các cổ đông đề cập và chất vấn. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT cho biết,  FPT không thực hiện nới room bởi hiện nay, Tập đoàn đang có một số ngành nghề bị hạn chế kinh doanh như báo điện tử (VnExpress), viễn thông, chứ ký số, mở cửa hàng bán lẻ (mỗi khi xin giấy phép)… Đặc biệt, nếu FPT nới room cho nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ không thực hiện được gia tăng sở hữu tại FPT Telecom như Ban lãnh đạo Tập đoàn mong muốn.

Việc FPT thoái vốn tại mảng bán lẻ cũng nhằm thực hiện mục tiêu trên của Ban lãnh đạo Tập đoàn. Ông Nguyễn Thế Phương cho biết, số tiền thoái vốn sẽ dành cho mục tiêu M&A và tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom. Hiện FPT đang nắm 45,64% cổ phần tại FPT Telecom.

Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu này nhằm cải thiện biên lợi nhuận của Tập đoàn và tập trung hoạt động của FPT vào mảng kinh doanh cốt lõi, bởi lợi nhuận của FPT Telecom thuộc mức rất cao. Phương án này có điều kiện để thực hiện khi FPT Telecom thuộc nhóm doanh nghiệp SCIC sẽ thoái toàn bộ vốn.

Theo các quy định hiện tại về thoái vốn của SCIC, FPT và người lao động trong doanh nghiệp có lợi thế trong việc đàm phán mua thêm cổ phần của FPT Telecom khi SCIC thoái vốn (theo phương án, FPT và người lao động cam kết mua 70% cổ phần trong đợt thoái vốn, giá mua là giá trúng thầu bình quân của 30% cổ phần chào bán ra ngoài qua đấu giá - PV).

Nếu FPT tăng được tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ FPT và thu nhập trên mỗi cổ phần sẽ cải thiện tích cực trong các năm tới đây.

Câu hỏi về việc liệu có xét đến khả năng nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được đặt ra với ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone. Tuy nhiên, quan điểm của vị lãnh đạo doanh nghiệp này khá dứt khoát: tạm thời công ty chưa tính đến.

Ông Năng chủ trương rằng, đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp tốt còn không quan trọng bằng cổ đông tốt. Thống nhất ý chí và tạo ra sự đồng thuận giữa các cổ đông là tiền đề quan trọng nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Song không phải doanh nghiệp nào cũng dè dặt với nới room. Tại ĐHCĐ 2015 dự kiến tổ chức vào tháng 4 tới, HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại TNG sẽ trình cổ đông phương án nới room lên 100%. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, cổ đông lớn nước ngoài của Công ty có khuyên ông, trước mắt, nên xem xét phương án nới room lên 65%. Tuy nhiên, ông Thời quan niệm rằng, nếu đã mở thì nên nới room lên 100% với nhà đầu tư ngoại. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không nên quá lo ngại về khả năng bị thâu tóm bởi các đối tác nước ngoài.

“Nếu có cổ đông nước ngoài làm tốt, họ có thể điều hành doanh nghiệp, trả cổ tức cao hơn mức ban lãnh đạo hiện nay của TNG làm được (trên 20%/năm), tôi sẵn sàng giao bớt việc điều hành cho họ”, ông Thời chia sẻ.

Trong Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, nơi ông Thời là Chủ tịch Hiệp hội, ông cũng khuyến khích các hội viên “thoáng” trong suy nghĩ về việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Ở thời điểm nền kinh tế hội nhập như hiện tại, lãnh đạo doanh nghiệp không nên quá lo ngại về việc doanh nghiệp có khả năng bị thâu tóm, ai làm tốt mới là quan trọng.

Tổng giám đốc một CTCK cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp không nên có tâm lý e ngại nới room và sợ doanh nghiệp bị thâu tóm. Nếu doanh nghiệp nới room lên 100%, nhưng cổ đông lớn đoàn kết, tin tưởng vào HĐQT, Ban điều hành, không ai bán ra cổ phần thì nhà đầu tư nước ngoài có muốn thâu tóm doanh nghiệp cũng không được. “Liều thuốc” nới room do đó còn có tác dụng thúc đẩy lãnh đạo doanh nghiệp cống hiến và tận tâm với doanh nghiệp hơn nữa. Nếu họ làm kém, cổ đông trung thành sẽ quay lưng và khi đó các “thợ săn” nước ngoài sẽ có cơ hội thâu tóm doanh nghiệp một cách dễ dàng. 

Tin bài liên quan