Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chuẩn bị đón thêm vốn đầu tư từ cổ đông chiến lược nước ngoài là Daiwa Securities Group (Nhật Bản), Ảnh: Đức Thanh

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chuẩn bị đón thêm vốn đầu tư từ cổ đông chiến lược nước ngoài là Daiwa Securities Group (Nhật Bản), Ảnh: Đức Thanh

Một loạt doanh nghiệp công bố kế hoạch nới room, hút vốn ngoại

Nhằm tận dụng những lợi ích của việc nới room, nhiều doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc bỏ bớt các ngành nghề kinh phụ để mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư ngoại thay đổi chiến lược để tham gia sâu hơn vào doanh nghiệp nội.

Hồ hởi đón khối ngoại

Mới đây, Daiwa Securities Group quyết định sẽ chi khoảng 30 triệu USD để nâng tỷ lệ sở hữu từ 10% hiện nay lên 15% tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). 

Hiện Daiwa là cổ đông chiến lược tại SSI và có đại diện tham gia Hội đồng Quản trị. Daiwa cho biết, sẽ đẩy mạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nới thêm.

Hay như việc Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân muốn nới room tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Năm 2015, doanh nghiệp này dẫn đầu về phát triển nhà ở xã hội theo đánh giá của các bộ, ngành. Các dự án đang được Địa ốc Hoàng Quân thực hiện có tổng quy mô khoảng 15.000 căn hộ. Trong 5 năm tới, Hoàng Quân đặt mục tiêu mỗi năm phát triển 10.000 căn hộ.

“Chúng tôi sẽ trình đại hội đồng cổ đông trong thời gian sắp tới để thực hiện việc nới room nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa. Việc nới room là để tăng tính hấp dẫn, tăng độ minh bạch và giúp Công ty phát triển mạnh hơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ chào đón ít nhất một nhà đầu tư nước ngoài và một nhà đầu tư chiến lược trong nước”, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho biết.

Thực tế, trong bối cảnh kinh doanh có nhiều thay đổi, biến động ngành nghề khó lường, việc doanh nghiệp thay đổi chiến lược là chuyện thường tình. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, chuyên chế biến cá tra cũng muốn bung kịch room lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài để hợp lực với đối tác ngoại. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Vĩnh Hoàn hiện nay là 32,5% và bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty vẫn giữ 49,32% vốn điều lệ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy cũng đang hoàn tất hồ sơ để chính thức nới room ngoại.

Động thái của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ rút 7 mã ngành kinh doanh như bốc xếp hàng hóa, hoạt động dịch vụ chăn nuôi, hoạt động dịch vụ sau thu hoạch... và điều chỉnh nội dung chi tiết ngành nghề của 2 mã ngành khác cho thấy, doanh nghiệp này sẵn sàng từ bỏ một số ngành kinh doanh không quan trọng để chào đón nhà đầu tư nước ngoài.

Sợ bị xem là nhà đầu tư nước ngoài

Có thể nói, đến thời điểm này, Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/2015/TT-BTC đã có những quy định khá rõ ràng về việc nới room cho các công ty đại chúng hoạt động kinh doanh trong các ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các nội dung này được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Thông tư 123/2015/TT-BTC đã hướng dẫn chi tiết về trình tự, hồ sơ và thủ tục nới room đối với các công ty đại chúng nói trên.

Tuy nhiên, mọi chuyện cũng không hề đơn giản. Đại diện SSI cho biết, Luật Đầu tư quy định, công ty có tỷ lệ nước ngoài sở hữu từ 51% trở lên được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khiến các công ty đại chúng, mặc dù hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề không không thuộc Danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng không muốn chủ động mở room vì lo ngại bản thân công ty của họ bị biến thành nhà đầu tư nước ngoài. Một khi bị biến thành công ty nước ngoài, các công ty này sẽ phải thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động kinh doanh cũng sẽ phải chịu các hạn chế của nhà đầu tư nước ngoài.

Để khắc phục khó khăn đó, Bộ Tài chính vừa dự thảo và đang xin ý kiến công chúng về Nghi định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán. Theo đó, Nghị định loại trừ việc công ty niêm yết và công ty đại chúng giao dịch trên UPCoM có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% trở lên thì bị xem là nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, nếu Dự thảo Nghị định này được ban hành thì các công ty niêm yết, công ty đại chúng đăng ký giao dịch trên UPCoM có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% trở lên sẽ không bị xem là nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện không thể biết chính xác có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ phải từ bỏ ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, song một điều khá chắc chắn là, vì những lợi ích của việc nới room, sẽ có nhiều doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bỏ bớt ngành nghề kinh doanh không phải là ngành nghề kinh doanh chính, hoặc những ngành nghề kinh doanh không cần thiết để có thể mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Khối ngoại liệu có thay đổi chiến lược đầu tư?

Đại diện SSI cho rằng, hơn ai hết, bản thân doanh nghiệp sẽ tự quyết định mình có nên nới room cho nhà đầu tư nước ngoài hay không. Nhìn tổng thể, việc nới room là tốt cho thị trường, tốt cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp có cơ hội huy động được vốn, cổ phiếu thanh khoản hơn, nhận được sự hỗ trợ về kiến thực, kinh nghiệm, nguồn lực của nhà đầu tư ngoại.

Theo SSI, một trong những vấn đề lớn khiến các nhà đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài còn do dự chưa đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam là do quy mô của thị trường chưa đủ lớn, thanh khoản còn yếu. Do vậy, việc nới room sẽ giúp cho thanh khoản thị trường tăng lên, quy mô thị trường lớn hơn, khiến các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn.

Việc nới room chưa hẳn đã tác động ngay đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán như nhiều người kỳ vọng.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm trái chiều. Trên thị trường chứng khoán hiện có khoảng 30 quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài đang hoạt động, với tổng giá trị khoảng 4 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng giá trị vốn hóa của khối ngoại trên thị trường chứng khoán. Chính việc giao dịch của những quỹ đầu tư này, đặc biệt là các quỹ ETF, đã làm cho thị trường chứng khoán sôi động. Tuy nhiên, phần lớn các quỹ này chỉ đầu tư tài chính, nên tỷ lệ sở hữu của họ thường dưới 10%. Do vậy, việc nới room dường như không tác động nhiều đến chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam với vai trò là đối tác chiến lược chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, mức độ sở hữu của họ chỉ thường 15 - 30% và không phải nhà đầu tư nào cũng muốn tham gia sâu vào điều hành tại doanh nghiệp Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài không muốn thâu tóm doanh nghiệp đang niêm yết. Họ thường chọn những doanh nghiệp có tiềm năng để làm đối tác chiến lược. Do đó, việc nới room chưa hẳn đã tác động ngay đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán như nhiều người kỳ vọng.

Tin bài liên quan