Trong một nửa thập kỷ qua, các công ty công nghệ tài chính đang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị ngân hàng, cung cấp các dịch vụ như thanh toán tạo áp lực lớn cho các ngân hàng.Ngày nay, nhiều khách hàng không muốn đến các chi nhánh mà họ muốn các dịch vụ ngân hàng luôn sẵn sàng ở các đầu ngón tay.
Chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa từng đến thăm một chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài có 70 nhân viên, nhưng ba năm sau chỉ còn lại 3 nhân viên. Mọi hoạt động ngân hàng này đều được số hóa và trở nên gần gũi với khách hàng nhờ việc hình thành nên một hệ sinh thái với nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau.
Câu chuyện cho thấy thay vì “chỉ bán”, các ngân hàng tương lai sẽ tương tác với khách hàng nhiều hơn thông qua hệ sinh thái, giống như Amazon và Google để thấu hiểu và từ đó tương tác phù hợp hơn với khách hàng .
Tuy nhiên sự thay đổi các ngân hàng ở Việt Nam vẫn đang chậm hơn với hành vi và kỳ vọng khách hàng, hầu hết mới chỉ số hóa các dịch vụ có sẵn. Thực tế chưa có một hệ sinh thái ngân hàng vượt ra ngoài các dịch vụ tài chính.
Trong bối cảnh hiện tại , xem ra VPBank “khởi động” sớm hơn cả. Tháng 9 vừa qua, VPBank đã lần đầu tiên ra mắt siêu ứng dụng YOLO, được cho là hệ sinh thái ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam khi kết hợp cả các dịch vụ giải trí,ẩm thực y tế bảo hiểm và du lịch.
Ông Shameek Bhargava, Giám đốc điều hành Ngân hàng số YOLO, cho biết VPBank muốn hình thành nên YOLO là một hệ sinh thái số với các dịch vụ đa dạng kết hợp với một ngân hàng.
“Khách hàng của chúng tôi thường hiếm khi bắt đầu một ngày bằng việc sử dụng dịch vụ tài chính, thay vào đó là những hoạt động thường xuyên như gọi taxi, nghe nhạc, xem phim, đặt đồ ăn. YOLO đem đến cho khách hàng gần như đầy đủ các hoạt động thiết yếu thường ngày mà họ cần, và các sản phẩm và dịch vụ của một ngân hàng đúng nghĩa,” ông chia sẻ.
Trên thị trường, VPBank đang là ngân hàng duy nhất cung cấp một hệ sinh thái ngân hàng số có đầy đủ dịch vụ ngân hàng và kết hợp với cả dịch vụ của các bên thứ ba. Sự khác biệt này đã nhanh chóng đưa YOLO trở thành ứng dụng được nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, để mắt tới. Theo thông tin từ VPBank, sau hai tháng ra mắt, YOLO đã có gần 100 nghìn lượt tải và thu hút 15 đối tác ở nhiều lĩnh vực cùng tham gia
“Lý do chúng tôi nỗ lực tạo ra và kết nối với hệ sinh thái các dịch vụ bên ngoài bắt nguồn từ một trong những thách thức lớn nhất mà ngân hàng gặp phải, đó là tính tương tác giữa ngân hàng và khách hàng thường xuyên ở mức thấp,” ông Shameek cho biết.
Tính tương tác chính là điều mà VPBank đang muốn ở khách hàng khi phát triển ngân hàng số. Ngày nay, ngân hàng số không chỉ phải cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải cạnh tranh với cả các ứng dụng dịch vụ khác nhằm thu hút sự tương tác của khách hàng.
“Nếu bạn không khác biệt, không giữ được tính kết nối thường xuyên với khách hàng, ứng dụng của bạn sẽ bị lãng quên và đây là điểm mấu chốt mang tính sống còn đối với các ngân hàng số,” ông Shameek nói.
Nhưng mục đích lớn hơn của một siêu ứng dụng YOLO không chỉ mang lại sự thuận tiện mà còn mong muốn thấu hiểu khách hàng mình nhiều nhất và từ đó thay đổi cho phù hợp với nhu cầu khách hàng nhanh nhất.
Một siêu ứng dụng như YOLO, được tích hợp nhiều dịch vụ và tiện ích chính là nguồn thu dữ liệu khách hàng tốt nhất mà VPBank có thể tự xây dựng được. Càng nhiều người sử dụng YOLO - cho dù họ không sử dụng dịch vụ ngân hàng mà chỉ sử dụng các dịch vụ tiện ích - càng nhiều khách hàng trung thành với YOLO, VPBank càng có nhiều thông tin về khách hàng và từ đó có thể đưa ra những sản phẩm đúng nhu cầu khách hàng nhất