Năm 2021, nhiều cổ phiếu dược nổi sóng sau thông tin nhập khẩu vắc-xin và thuốc chữa Covid-19, dù không hề hưởng lợi.

Năm 2021, nhiều cổ phiếu dược nổi sóng sau thông tin nhập khẩu vắc-xin và thuốc chữa Covid-19, dù không hề hưởng lợi.

Y tế và sự phi lý của “cổ phiếu vắc-xin”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù được xem là cổ phiếu phòng thủ, nhưng trong năm 2021, nhóm cổ phiếu dược phẩm đã hai lần nổi sóng lớn. Điều gì tạo nên các con sóng bất chợt này?

Những con sóng lạ

Trong năm 2021, nhóm cổ phiếu dược đã hai lần nổi sóng, lần đầu tiên là từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 và đợt thứ hai là trong tháng 8.

Trong nhịp tăng đầu tiên từ ngày 25/5 đến 8/6, nhóm cổ phiếu dược phẩm tăng trung bình 50,5%, nhưng sau đó nhanh chóng giảm 20,8% trong thời gian từ 8/6 đến 13/7. Sau thời gian nghỉ ngơi, nhóm cổ phiếu này lại có đợt sóng thứ hai trong tháng 8 (diễn ra từ 6 - 31/8).

Dù không lớn như đợt đầu, nhưng mức tăng trung bình 44,8%, không ít mã thiết lập đỉnh lịch sử mới. Áp lực chốt lời sau đó khiến nhóm này đồng loạt quay đầu giảm và đi ngang tích luỹ trong biên độ hẹp.

Con sóng đầu tiên bắt nguồn từ thông tin Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc-xin Covid-19, trong đó có CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (CDP), CTCP Dược và Thiết bị Y tế Đà Nẵng (DDN), CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT), CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN). Đây cũng là các cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm với mức tăng lần lượt là 179,1%, 86,4%, 36,1%, 134,3% và 48,5%.

Trong khi đó, các công ty không nằm trong danh sách mặc dù kinh doanh ổn định nhiều năm như CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), CTCP Traphaco (TRA), CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD)…, giá cổ phiếu gần như đi ngang.

Con sóng thứ hai bắt nguồn từ thông tin Bộ Y tế chỉ định một số doanh nghiệp dược được phép nhập khẩu uỷ thác thuốc điều trị Covid-19. Trong đợt sóng thứ hai, các cổ phiếu CDP, DDN, DBT, DP1 và DVN cũng là những mã tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 127,5%, 99,3%, 53,4%, 39% và 57,7%.

Lý do tạo ra các con sóng lạ của ngành dược xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư về việc các công ty được nhập khẩu vắc-xin và thuốc chữa

Covid-19 sẽ đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán ở thời điểm cổ phiếu dược nổi sóng, một lãnh đạo công ty dược phẩm nằm trong Top 10 của ngành dược Việt Nam có cổ phiếu đang niêm yết cho biết, việc cho phép những công ty được phép nhập khẩu

vắc-xin thực chất là hoạt động nhằm đa dạng hoá nguồn cung vắc-xin, đây không phải là hoạt động có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với các chương trình tài trợ/viện trợ thuốc cho Chính phủ để điều trị các bệnh nhân Covid-19, các công ty nhập khẩu uỷ thác sẽ không đặt mục tiêu lợi nhuận, công ty chỉ thu phí tượng trưng không đáng kể.

Thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2021, 5 công ty dược phẩm có giá cổ phiếu tăng mạnh trong 2 đợt sóng đều có tình hình kinh doanh đi xuống. Cụ thể, doanh thu trung bình giảm 8,6%, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính (lợi nhuận gộp - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) giảm trung bình 44,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, riêng trường hợp của DVN, trong 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận tăng 25%, lên 178,38 tỷ đồng và vượt 24,2% kế hoạch. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 32,2% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế tăng là nhờ vào việc ghi nhận giảm chi phí tài chính 86,98% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 91,7 tỷ đồng, còn 13,7 tỷ đồng. Công ty có thuyết minh, chủ yếu do hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính.

Xét dữ liệu quá khứ trong nhiều năm trở lại đây, nhóm công ty dược phẩm thuộc nhóm những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định, lợi nhuận biến động không đáng kể và duy trì chính sách cổ tức ổn định, vì vậy hiếm khi thu hút dòng tiền đầu cơ ngắn hạn như năm nay. Do đó, hai đợt sóng vừa qua chính là những con sóng lạ của nhóm dược phẩm.

Cẩn thận với những con sóng

Năm 2021, thị trường chứng khoán chứng kiến dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân chảy vào mạnh và trở thành yếu tố chính giúp thị trường chinh phục các đỉnh cao mới cả về điểm số và thanh khoản. Dòng tiền này luôn luân chuyển giữa các nhóm ngành để tìm cơ hội, nhất là các nhóm ngành có câu chuyện kỳ vọng về kết quả kinh doanh như dược phẩm, than, phân bón, hay M&A như nhóm họ Louis (TGG, BII, AGM, DTD, VKC, DDV, APG)…

Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng của giới đầu tư, khi hàng loạt công ty dược phẩm, công ty than công bố lợi nhuận giảm, khiến các nhóm cổ phiếu này quay đầu giảm nhanh, nhiều nhà đầu tư đua sóng vào sau chịu cảnh thua lỗ nặng.

Trong khi đó, với nhóm cổ phiếu họ Louis, trái với câu chuyện kỳ vọng sẽ thực hiện tái cấu trúc các doanh nghiệp sau M&A, khi cổ phiếu tăng cao, các lãnh đạo Louis đồng loạt thoái vốn, ngừng hợp tác chiến lược với công ty mục tiêu, khiến giá cổ phiếu giảm liên tục, gây thua lỗ lớn cho nhà đầu tư.

Ngược lại, một số ngành hưởng lợi thực sự và có kết quả kinh doanh cải thiện như chứng khoán, vận tải biển, thép… giúp nhà đầu tư thắng lớn trong năm 2021.

Do đó, dù trên thị trường liên tục có những câu chuyện liên quan tới cổ phiếu, nhưng không phải câu chuyện nào cũng là sự thật, đôi khi có một số “tay to” lợi dụng thông tin mất cân xứng giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp để tận dụng kiếm lời. Thông thường, nhóm cổ phiếu mà các “tay to” này hướng tới là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa (penny và midcap), với lượng cổ phiếu lưu hành không quá lớn để dễ dàng chi phối giá.

Chính vì vậy, khi đầu tư, ngoài tìm hiểu câu chuyện của từng cổ phiếu, nhà đầu tư nên đánh giá tính khả thi của câu chuyện hỗ trợ, cũng như chất lượng doanh nghiệp, thay vì đầu tư theo tin đồn không thể kiểm chứng.

Tin bài liên quan