Từ ngày 10-13/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 5 bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2010, do thua lỗ, bị cáo Hoàng Minh Hiệp (SN 1974, ở quận Tây Hồ, Hà Nội, nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Kinh tế Hoàng Gia và Công ty TNHH Kim loại Hoàng Gia) lập hồ sơ khống vay 183,9 tỷ đồng của PVFC (nay là PVCombank).
Hiệp sử dụng 4 công ty “ma” do các nhân viên dưới quyền đứng tên để lấy danh nghĩa pháp nhân ký hợp đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm tháng 1/2016.
Đảm bảo cho khoản vay là kho hàng gửi tại công ty khác nhưng thực chất không có thật hoặc đã đem thế chấp cho ngân hàng khác.
Số tiền ngân hàng giải ngân sau đó được chuyển thẳng về tài khoản 2 pháp nhân do Hiệp điều hành.
Quá trình vay vốn, Hiệp thế chấp bổ sung thêm 2 bất động sản trị giá hơn 10,6 tỷ đồng; xe ô tô nhãn hiệu Roll Royce Phantom trị giá hơn 13 tỷ đồng. Đến thời điểm bị khởi tố, Hiệp còn chiếm đoạt tổng số tiền hơn 152,6 tỷ đồng.
Từ phiên tòa sơ thẩm năm 2016, các bị cáo đồng loạt kêu oan. Án sơ thẩm quy kết các bị cáo có hành vi lập khống hồ sơ, chiếm đạt tài sản và xử phạt bị cáo Hiệp mức án chung thân.
Các bị cáo Trương Ánh Điệp (SN 1980, Giám đốc Công ty Kim loại Hoàng Gia, vợ của Hiệp) nhận mức án 20 năm tù; Nguyễn Thị Mai Hương (SN 1973, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh tế Hoàng Gia) 17 năm tù; Đặng Ngọc Sơn (SN 1980, nhân viên kinh doanh) 15 năm tù; Vũ Thị Thuận (SN 1982, kế toán) 13 năm tù; Đinh Minh Ngọc (SN 1987, kế toán) 12 năm tù.
Sau đó, các bị cáo đồng loạt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan.
Bị cáo Hiệp cho rằng bổ sung tài sản đảm bảo, không có mục đích chiếm đoạt tiền; dòng tiền vay luân chuyển trả nợ cho chính ngân hàng.
Bị cáo Điệp đề nghị giám định lại chữ ký trong 2 hợp đồng tín dụng vì thời điểm đó bị cáo đang đi du lịch bên Pháp.
Cấp phúc thẩm xem xét, tuyên phạt y án sơ thẩm đối với bị cáo Hiệp và Ngọc; các bị cáo gồm Thuận, Hương, Sơn được giảm án 1 năm tù. Riêng bị cáo Điệp được hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì xuất hiện tình tiết mới tại tòa.