Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và EU vẫn căng thẳng

Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và EU vẫn căng thẳng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những vấn đề xung quanh thuế quan của Mỹ đã thu hút sự chú ý khỏi căng thẳng thương mại đang nóng lên giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Những cáo buộc và điều tra về các hoạt động thương mại lẫn nhau từ lâu đã là một yếu tố chủ chốt trong quan hệ thương mại EU-Trung Quốc, được củng cố bởi những lo ngại về việc nền kinh tế trong nước có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi các mặt hàng nhập khẩu cạnh tranh.

Trong những tuần gần đây, các hạn chế của EU đối với hoạt động tham gia đấu thầu công khai các thiết bị y tế của các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng được đáp trả bằng việc Trung Quốc đặt ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm này.

Trung Quốc lần đầu tiên bắt đầu điều tra việc nhập khẩu rượu mạnh từ châu Âu sau khi EU bắt đầu áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất vào năm ngoái, điều này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm thay thế do châu Âu sản xuất.

Marc Julienne, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) cho biết: “Nhìn chung, quan hệ thương mại EU-Trung Quốc hiện khá kém…Những gì từng là một lĩnh vực đầy cơ hội và nhiệt huyết cho mối quan hệ song phương giờ đây đã trở nên nhiều rủi ro hơn là cơ hội", ông cho biết.

“Mối quan hệ EU và Trung Quốc đang bị cản trở bởi nhiều thách thức và rủi ro thường liên quan đến sự xung đột về lập trường kinh tế”, Grzegorz Stec, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator nhận định.

"EU và Trung Quốc nhìn chung đang trên đà xung đột về các mối quan ngại trong chính sách thương mại và công nghiệp…Nhu cầu xuất khẩu ngày càng cấp bách của Trung Quốc trái ngược với nhu cầu bảo vệ nền tảng công nghiệp của EU", ông cho biết.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với khoảng cách giữa năng lực sản xuất và nhu cầu. Nước này cũng đang đối mặt với tăng trưởng chậm chạp, trong khi xuất khẩu đang chịu áp lực trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và nhu cầu giảm sút.

Thuế quan của Mỹ tác động đến quan hệ EU-Trung Quốc

Theo ông Julienne, thuế quan gần đây của Tổng thống Donald Trump có thể là cơ hội để Trung Quốc và EU cải thiện quan hệ. "Điều này lẽ ra đã có tác động tích cực đến mối quan hệ song phương, theo nghĩa là khi EU và Trung Quốc cùng đối mặt với thuế quan từ Mỹ, hai bên có thể được kỳ vọng sẽ đàm phán và thỏa hiệp để tận dụng tối đa mối quan hệ thương mại trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan của Mỹ", ông cho biết.

Nhưng điều này vẫn chưa thành hiện thực.

Jean-Marc Fenet, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Địa chính trị và Kinh doanh ESSEC cho rằng một lý do cho điều này có thể là Trung Quốc cảm thấy họ đã có được một vị thế tốt nhất trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Sau những leo thang căng thẳng ban đầu, Trung Quốc và Mỹ đã xác nhận một thỏa thuận khung thương mại vào tháng 6, bao gồm các điều khoản xoay quanh vấn đề đất hiếm và các quy định về công nghệ. Đầu năm nay, Trung Quốc đã đặt ra các hạn chế xuất khẩu đối với một số nguyên tố đất hiếm và nam châm, thường được sử dụng trong các lĩnh vực ô tô, quốc phòng và năng lượng, như một phần trong phản ứng của nước này đối với các mức thuế quan ban đầu của Mỹ.

Ánh sáng cuối đường hầm?

Nhà phân tích Grzegorz Stec lập luận rằng hiện “khó có thể tìm thấy” một giải pháp cho những điểm bất đồng thương mại dai dẳng giữa Trung Quốc và EU, thay vào đó dự đoán sẽ có thêm nhiều vấn đề.

“Các vấn đề về dư thừa công suất và chuyển hướng thương mại cùng với việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán về thuế quan đối với xe điện báo hiệu nhiều biến động sắp tới”, ông cho biết.

Bên cạnh đó, căng thẳng liên quan đến các biện pháp của EU nhằm tăng cường quyền tự chủ và nỗ lực ngăn chặn những biện pháp này của Trung Quốc cũng có thể xảy ra.

“Việc Ủy ban châu Âu ngày càng cứng rắn hơn trong lập trường và việc gia tăng sức mạnh của các công cụ bảo vệ mà họ tự trang bị trong những năm gần đây khiến nhiều khả năng sẽ có những xung đột ngày càng gia tăng, thể hiện qua các biện pháp gần đây được áp dụng đối với thiết bị y tế của Trung Quốc và như chúng ta chắc chắn sẽ thấy tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào ngày 24/7 tại Bắc Kinh”, ông cho biết thêm.

Tin bài liên quan