Xúc tiến du lịch Kiên Giang - Cà Mau kết nối bờ biển Tây

Xúc tiến du lịch Kiên Giang - Cà Mau kết nối bờ biển Tây

Đầu tháng 5 vừa qua một số doanh nghiệp lữ hành và vận tải hành khách biển cùng Trung tâm xúc tiến Đầu tư thương mại du lịch tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã có buổi khảo sát tại tỉnh Cà Mau để bắt tay vào chương trình liên kết hợp tác xúc tiến du lịch theo đường Hành lang ven biển phía Nam.

Cung đường du lịch

Tại buổi trao đổi này, lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Cà Mau giới thiệu, những năm gần đây hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong tỉnh được kết nối với hệ thống quốc lộ dần được hoàn thiện. Đáng kể là các tuyến Quốc lộ 1 từ Cần Thơ đến Năm Căn (nơi cột mốc số 0001), Quãng lộ Phụng Hiệp - Cà Mau.

Đặc biệt tuyến Hành lang ven biển phía Nam (R10) kết nối từ Kiên Giang đi qua các điểm du lịch vườn quốc gia U Minh, khu sinh thái Sông Trẹm... đến Cà Mau. Riêng tuyến R10 là kết nối chiến lược du lịch không chỉ giữa 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau mà còn là cung đường du lịch ven vịnh Thái Lan với các nước tiểu vùng sông Mê Kong.

Về giao thông hàng không tỉnh Cà Mau đang đề nghị ngành hàng không nâng cấp mở rộng sân bay Cà Mau để đón các loại máy cỡ lớn hơn. Riêng giao thông hàng hải, tỉnh Cà Mau đang quy hoạch và kêu gọi đầu tư cảng tàu khách, hàng hóa và cảng cá Sông Đốc (cảng 3 trong 1) phía bờ Tây để kết nối tuyến hàng hải với quần đảo du lịch Nam Du và Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang. Với vị trí cảng này chỉ mất khoảng hơn 1 giờ chạy tàu cao tốc đến Nam Du và hơn 2 giờ đến Phú Quốc.

Theo Giám đốc Trung tâm xúc đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, ông Quách Văn Ấn cho biết, những năm gần đây lượng du khách đến Cà Mau chỉ hơn 1,7 triệu lượt khách. Trong đó thu hút du khách đông nhất là Khu du lịch Năm Căn (đất Mũi) có cột mốc số 0 và rừng đước ngập mặn nơi bãi bồi lấn biển...là "đặc sản" du lịch của vùng Đất Mũi. Ngoài ra du khách cũng khá hấp dẫn cung đường R10 từ Kiên Giang đến Cà Mau đi qua các điểm du lịch mới nổi như: Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, sân chim Sông Trẹm, vườn quốc gia U Minh hạ và Đất Mũi - Năm Căn.

"Tuy nhiên, do tuyến du lịch Cà Mau là nơi cuối đất và chưa được kết nối ra biển đảo làm cho lượng du khách còn hạn chế. Do vậy chủ trương của tỉnh Cà Mau là định hướng phát triển kết nối ra Côn Đảo ở biển Đông và các đảo ở biển Tây của Kiên Giang. Chúng tôi hy vọng sau chuyến khảo sát này, các doanh nghiệp lữ hành và các hãng tàu cao tốc có thể bắt tay với tỉnh Cà Mau để làm ngay các tour tuyến đường bộ R10, đường biển Sông Đốc -Nam Du - Phú Quốc", ông Ấn kỳ vọng.

Kết nối biển đảo

Kiên Giang và Cà Mau là hai tỉnh giáp ranh, có nét tương đồng về văn hóa, thổ nhưỡng và khí hậu với sông liền sông, biển liền biển. Tuy nhiên mỗi địa phương bổ khuyết cho nhau với những đặc sản du lịch như: Đất Mũi với cột mốc số 0 và rừng đước Năm Căn, hay sinh thái sông Trẹm...và ngược lại các đảo du lịch phong phú và hấp dẫn của Kiên Giang. Đặc biệt Kiên Giang và Cà Mau sở hữu trên 1/3 bờ vịnh Thái Lan có chiều dài trên 350km với nhiều sản vật đặc chủng và hệ sinh thái phong phú, rất đặc trưng của vùng biển Tây.

Sau khi khảo sát cảng cá Sông Đốc, chủ các hãng tàu cao tốc đều thống nhất với chủ trương của tỉnh Cà Mau là chọn nơi đây làm cảng tàu khách du lịch đi các đảo trên biển Tây, trong đó sẽ kết nối Sông Đốc -  đảo Nam Du - đảo Phú Quốc. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, cảng Sông Đốc đã được UBND tỉnh Cà Mau đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn với các hạng mục gồm: xây cầu cảng dài 5km, tiếp xúc độ sâu 5-7m; qui hoạch 385ha đất làm golictis và nâng cấp thị trấn Sông Đốc lên thị xã.

Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Kiên Giang, bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết, Kiên Giang hiện có hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện, nhất là đường hàng không (Sân bay Phú Quốc và Rạch Giá), hàng hải với hàng chục tàu cao tốc kết nối từ Rạch Giá và Hà Tiên ra các đảo du lịch trên biển Tây. Riêng hạ tầng giao thông đường bộ với đoạn cao tốc từ Lộ Tẻ đến Rạch Sỏi sẽ hoàn thành trong năm nay. Cùng với đó các quốc lộ được mở rộng và nâng cấp như QL 63, 61, 80...cùng một số tỉnh lộ đã hoàn thiện.

"Chuyến khào sát này của đoàn doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang đến Cà Mau nhằm xúc tiến liên kết du lịch vùng, kết nối tour tuyến, khai thác điểm đến và sản phẩm du lịch trên tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam. Theo đó sẽ xây dựng chương trình liên kết, từng bước chắc chắn với những gì du khách đang cần và chúng ta đang có. Ngoài ra, các đơn vị lữ hành và xúc tiến du lịch của hai tỉnh Kiên Giang - Cà Mau cần liên kết với Vũng Tàu để khai thác khách nước ngoài ở trong nước và các thị trường gần, nhất là du khách nội địa trong thời điểm dịch bệnh Covid hiện nay", bà Thảo cho biết.

Tin bài liên quan