“Xuất quỹ” 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

“Xuất quỹ” 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính dự kiến “xuất quỹ” 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ngân hàng đã cạn lực để hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguồn lực để ngành ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đã cạn sau gần 2 năm thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất, gia hạn nợ, cơ cấu kỳ hạn trả nợ. Để thực hiện việc giảm lãi suất cho vay, hệ thống ngân hàng đã buộc phải giảm lãi suất huy động, nên tiền gửi dân cư đang có xu hướng giảm, khiến việc huy động vốn của ngân hàng gặp khó khăn, đe dọa thanh khoản của toàn hệ thống.

“Hơn một triệu khách hàng đã được cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ với trên một triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nợ trên 530.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi trên 26.000 tỷ đồng; miễn giảm phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt từ tháng 7/2021, có 16 ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất cho doanh nghiệp, với tổng trị giá giảm lãi vào khoảng 20.300 tỷ đồng trong năm 2021, cộng với 4.000 tỷ đồng đã được 4 ngân hàng thương mại nhà nước cam kết hỗ trợ, tổng cộng vào khoảng 24.300 tỷ đồng. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng gặp khó khăn, nhưng vẫn hết sức hỗ trợ doanh nghiệp. Vấn đề là, trong thời tới, làm sao có nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khi nguồn lực của ngân hàng đã và đang cạn dần, nếu không có bàn tay của chính sách tài khóa, cụ thể là ngân sách nhà nước (NSNN) trực tiếp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh), ngân hàng đã kịp thời sử dụng mọi khả năng có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng nếu vẫn tiếp tục hỗ trợ bằng cách gia hạn nợ, giảm lãi, thì sẽ tác động nghiêm trọng đến nợ xấu.

“Nợ xấu cao, không chỉ tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, mà còn tác động đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Vì vậy, ý tưởng NSNN hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp là gói hỗ trợ hữu hiệu nhất trong lúc này”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Hỗ trợ nên đủ dài và phải thực hiện ngay

“Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất. Dự kiến, sẽ hỗ trợ lãi suất trong vòng 2 năm, tổng cộng 40.000 tỷ đồng, mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng. Nếu NSNN hỗ trợ 4% lãi suất, thì sẽ có trên một triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc khẳng định tại nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Theo ông Phớc, số tiền hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu NSNN và giúp giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau.

Ngân hàng cho vay và chịu trách nhiệm về khoản vay, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất. Ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rất hào hứng với “mối lương duyên” này. “Khác với doanh nghiệp trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu dựa vào vay vốn ngân hàng, nên doanh nghiệp gặp rủi ro thì ngân hàng cũng gặp ngay khó khăn. Sau gần 2 năm “sống cùng Covid-19”, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, vì vậy biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa (hỗ trợ lãi suất) phải đóng vai trò chủ đạo”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, ngân sách nhà nước nên hỗ trợ 2-3% lãi suất vay vốn ngân hàng, nhưng cần kéo dài thời gian và quy mô lớn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, gói hỗ trợ nên đủ dài và phải thực hiện ngay, vì người dân, doanh nghiệp vẫn cho rằng, rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện… trên tivi.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, ông Nguyễn Như So khẳng định, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn như hiện nay. Vì vậy, phải khẩn trương quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua và nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.

“Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 khoảng 44 - 45% GDP. Mức này là rất an toàn so với trần nợ công 60% GDP. Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế, mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất cần lựa chọn đúng, trúng đối tượng ngành nghề”, ông So đề xuất.

Tin bài liên quan