Trụ sở chi nhánh Hà Nội của YTECO nằm trong khu tập thể cũ số 63 Lý Nam Đế.

Trụ sở chi nhánh Hà Nội của YTECO nằm trong khu tập thể cũ số 63 Lý Nam Đế.

Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (YTECO): Cục nợ hay miếng phô mai?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ông Nguyễn Khánh Linh, tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM – YTECO (mã YTC) hoàn toàn có thể lường trước rủi ro nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lớn gấp gần 10 lần vốn điều lệ của YTECO, nhưng vẫn trả giá cao để thâu tóm công ty này.

Bên thâu tóm có bất ngờ?

Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6/2020 của YTECO có thể coi là đại hội chuyển giao quyền lực khi ông Nguyễn Khánh Linh đại diện cho bên thâu tóm YTECO chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là ông Nguyễn Quốc Việt, cũng là người của ông Linh.

Trong nửa đầu năm, các cổ đông nội bộ YTECO liên tục công bố thông tin bán ra cổ phiếu. Rất nhiều cổ đông hiện hữu đã giao dịch cổ phiếu thời điểm này. Giá cổ phiếu YTC biến động mạnh tăng từ 60.000 đồng/cổ phiếu lên 95.000 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, giai đoạn từ 11/6 - 12/7, giá cổ phiếu mua vào mức 87.000 đồng/cổ phiếu, giai đoạn 13/7 - 21/7 ở mức 95.000 đồng/cổ phiếu.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Linh không phải bên xa lạ với YTECO bởi ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Sài Gòn 3 Capital, đang nắm giữ 69,3% cổ phần của Công ty Chứng khoán Thành Công.

Chứng khoán Thành Công là cổ đông tổ chức nắm 4,91% cổ phần của YTECO trước đây và đã thoái vốn trước ngày 31/8/2020. Công ty Quản lý Quỹ đầu tư MB (MB Capital) sở hữu 16,65% cổ phần YTC cũng đã thoái vốn trước ngày 3/9/2020.

Các giao dịch lớn nhỏ này đều không công bố bên mua vào, tuy nhiên tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 11, khi đại diện cổ đông Nhà nước là Sapharco sở hữu 29% cổ phần YTECO bày tỏ không đồng tình với phương án phát hành cổ phần tăng vốn mà Hội đồng quản trị trình thì ông Linh đã nói thẳng: “Đến giờ phút này, thư ký cập nhật tỷ lệ cổ đông tham gia Đại hội là 96,8%, việc Sarphaco giữ tỷ lệ 29% không tham gia biểu quyết thì chúng tôi vẫn thừa sức thông qua”.

Trên thực tế, theo biên bản Đại hội cổ đông bất thường YTECO thì các nội dung liên quan đến phương án phát hành mà phía Sapharco không tán thành đều được thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành khoảng 66% phiếu biểu quyết tại Đại hội. Như vậy, nhóm của ông Linh đã giữ cổ phần chi phối YTECO.

Sau khi nắm quyền kiểm soát Công ty vào tháng 6, Hội đồng quản trị mới đã mời công ty kiểm toán mới vào làm việc công bố báo cáo tài chính quý bán niên soát xét với kết quả lỗ dẫn đến âm vốn chủ sở hữu do trích lập dự phòng các khoản phải thu của khách hàng như Báo Đầu tư Chứng khoán số 117 đã thông tin trong bài “YTECO lỗ nặng, bên thâu tóm muốn phát hành giá rẻ”.

Đây chính là lý do để Hội đồng quản trị trình Đại hội phương án phát hành cổ phần riêng lẻ, tăng vốn điều lệ từ 30,8 tỷ đồng lên 230,8 tỷ đồng, với giá phát hành chỉ 10.000 đồng/cổ phần, thấp hơn nhiều thị giá YTC như đã nói trên và cũng là mức giá mà bên thâu tóm đã bỏ ra để sở hữu cổ phần chi phối YTC.

Tại Đại hội cổ đông bất thường, không ít cổ đông đặt câu hỏi: Đối với một nhà đầu tư tài chính giàu kinh nghiệm như ông Linh (hiện đang quản trị và điều hành loạt công ty như Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group, Đầu tư Sài Gòn 3 Capital, May Sài Gòn 3, Bông Bạch Tuyết...) vì sao đổ tiền vào đầu tư doanh nghiệp mình không hiểu rõ, để rồi ngạc nhiên khi công ty từ lãi chuyển sang lỗ?

Ông Linh trả lời cổ đông trước đại hội: “Tại sao dân tài chính mua công ty mà không biết? Tôi xin trả lời, nhà đầu tư dựa trên báo cáo tài chính và báo cáo của YTECO là có lời. Thứ hai, đầu tư có lúc thua lúc thắng, quan trọng là những lần thua đó mình học được gì và đứng lên như thế nào”.

Về lý thuyết, trước khi thâu tóm YTECO thông qua Chứng khoán Thành Công, ông Linh hoàn toàn có thể đánh giá tình hình tài chính Công ty với những rủi ro lớn khi mà khoản phải thu của khách hàng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Rất có thể những rủi ro mất vốn vài chục tỷ đồng do không thu hồi được nợ không quá lớn so với cơ hội kiếm lợi từ YTECO trong tương lai. Bởi ngoài cục nợ, YTECO còn có miếng phô mai lớn là thương quyền và tài sản

YTECO đáng giá bao nhiêu?

YTECO có tài sản đáng chú ý là khu đất 181 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM diện tích 1.500 m2 và biệt thự số 76 Sương Nguyệt Ánh, quận 1, TP.HCM diện tích khoảng 800 m2.

Công ty cũng đang sở hữu một kho tiêu chuẩn GSP tại quận Thủ Đức với diện tích hơn 8.000 m2. Cả ba loại tài sản này đều là đất thuê thời hạn 50 năm theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm, thời hạn thuê đất còn khoảng 25 năm. Đại hội cổ đông thường niên tháng 6/2020 đã thông qua phương án đầu tư dự án ở hai khu đất.

Tuy nhiên, tháng 5/2020, UBND TP.HCM đã ra quyết định số 1550 về ban hành các danh mục biệt thự cũ trên địa bàn Thành phố đã được phân loại (đợt 1 và đợt 2), căn biệt thự số 76 Sương Nguyệt Ánh được xếp vào nhóm 2, buộc phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Vì thế, trong kế hoạch sắp tới, ông Linh chia sẻ thêm, sẽ chỉ xây được cao ốc tại số 181 Nguyễn Đình Chiểu.

Tuy nhiên, thương quyền mới là tài sản đáng giá nhất của Công ty. Hoạt động kinh doanh dược phẩm trên toàn quốc trong hơn 35 năm, YTECO có trụ sở chính tại TP.HCM, 3 chi nhánh (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 11 địa điểm kinh doanh.

Một điểm nổi bật của YTECO cũng như nhiều đơn vị cùng ngành khác, chính là được hưởng lợi lớn từ Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) có quyền nhập khẩu nhưng việc phân phối dược sẽ chỉ dành riêng cho các công ty có 100% vốn trong nước.

Nắm bắt cơ hội, ngay khi Nghị định 54 được ban hành, YTECO đã gấp rút hoàn thiện kho thuốc tiêu chuẩn GSP Thủ Đức, đồng thời tập trung vào tăng trưởng ổn định kinh doanh và dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu, tìm đối tác là nhà cung cấp để hợp tác toàn diện về nhập khẩu, đấu thầu và phân phối thuốc.

Báo cáo thường niên 2019 của YTECO cho thấy, phần lớn doanh thu đến từ đấu thầu và xuất nhập khẩu uỷ thác.

Mục tiêu của Công ty trong thời gian tới là xây dựng định hướng phát triển trở thành doanh nghiệp số 1 về dịch vụ xuất nhập khẩu ủy thác. Đồng thời, Ban lãnh đạo Công ty đưa ra chính sách hoạt động nhằm duy trì Top 3 nhà cung ứng thuốc, nâng hạng Công ty có chất lượng dịch vụ tốt nhất ngành dược Việt Nam.

Tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp trong và ngoài nước với mức phí hợp lý để tăng số lượng mặt hàng tham dự đấu thầu cấp quốc gia và đấu thầu tại các địa phương trên cả nước...

Đây cũng chính là một phần lý do những năm qua ngân hàng ưu ái cho phép YTECO vay với hạn mức tín dụng lên đến hàng trăm tỷ đồng mặc dù vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn hơn 30 tỷ đồng.

Theo báo cáo của YTECO, Việt Nam là thị trường dược phẩm lớn thứ 2 tại Đông Nam Á và nằm trong nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất toàn cầu, ở mức 14 - 15%/năm. Công nghiệp dược mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của người dân, còn lại phải nhập khẩu.

Sau Nghị định 54, doanh nghiệp dược Việt Nam trở thành mục tiêu M&A doanh nghiệp dược nước ngoài như Taisho Pharmaceutical đầu tư vào Dược Hậu Giang; Abbott Laboratories Holdco đầu tư vào Domesco; Stada đầu tư vào Pymerpharco; Tập đoàn DKSH vừa bắt tay vơi VinFa trong lĩnh vực nhập khẩu dược phẩm.

Vì vậy, YTECO với lợi thế sở hữu hệ thống phân phối thuốc trong nước hoàn toàn là đối tượng M&A của các đại gia nước ngoài.

Phải chăng thương quyền mới là mục tiêu để bên thâu tóm YTECO.

Nhóm cổ đông sở hữu chi phối gần 70% cổ phần mà đại diện là ông Linh muốn trình phương án phát hành cổ phần riêng lẻ, ưu tiên quyền đăng ký mua cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mua bằng mệnh giá cổ phần.

Trong trường hợp cổ đông không đăng ký mua hết thì toàn bộ số cổ phần còn lại được bán cho Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital cũng do ông Linh làm Chủ tịch.

Điều này hàm ý nếu Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn - SAPHARCO (trực thuộc UBND TP.HCM) sở hữu 29% vốn cổ phần của YTECO không mua cổ phần tăng vốn đợt này thì sẽ bị giảm tỷ lệ sở hữu tại YTECO.

Ông Lê Văn Thiện, đại diện cổ đông SAPHARCO cho biết, quan điểm của cổ đông nhà nước là dù vốn điều lệ tăng hay giảm vẫn phải giữ tỷ lệ 29%. Trước khi YTECO muốn tăng vốn thì phải làm rõ vấn đề tăng hay giảm như thế nào, có đúng quy định của pháp luật?

Ông Linh nêu quan điểm với cổ đông nhà nước: “Không ai muốn pha loãng vốn Nhà nước, và tôi cũng biết cái khó của công ty nhà nước là chưa có văn bản chỉ đạo được tham gia hay không, cho nên xin cổ đông cho ông Sapharco đăng ký mua cổ phiếu với thời hạn 2 tháng để chuẩn bị, nếu sau 2 tháng đồng ý thì mình sẽ có thêm tiền, còn nếu không tham gia thì chịu”.

Tin bài liên quan