Xuất nhập khẩu tăng trưởng cao nhất 10 năm qua

0:00 / 0:00
0:00
4 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt trên 206 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng cao nhất 10 năm qua

Xuất khẩu tăng kỷ lục, 28,3%

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu hàng hóa đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8%. Có mức tăng trưởng kỷ lục này chủ yếu là do đầu năm ngoái, ảnh hưởng của Covid-19 nên thương mại hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt, tháng 4 là tháng cả nước thực hiện giãn cách xã hội, cả sản xuất - kinh doanh lẫn xuất nhập khẩu sụt giảm.

Cũng chính vì vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2021 đã tăng 44,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 23,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 54,2%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 103,9 tỷ USD, thì khu vực trong nước đóng góp 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đóng góp 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, đã có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8%, bao gồm điện thoại và linh kiện (18,4 tỷ USD, tăng 19,4%); điện tử, máy tính và linh kiện đạt (15,9 tỷ USD, tăng 30,8%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (12 tỷ USD, tăng 76,9%); hàng dệt may (9,5 tỷ USD, tăng 9%); giày dép (6,4 tỷ USD, tăng 18,7%); gỗ và sản phẩm gỗ (5 tỷ USD, tăng 50,5%)…

Như vậy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng rất cao, đóng góp lớn cho tốc độ tăng chung của kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong khi đó, về nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,69 tỷ USD, tăng 24,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,92 tỷ USD, tăng 34,2%.

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 96,31 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Còn nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,1% (giảm 0,4 điểm phần trăm).

Nhập khẩu hàng tư liệu sản xuất tăng cao là xu hướng tích cực, cho thấy sản xuất đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, có mức tăng cao này chủ yếu cũng do đầu năm ngoái, khi Covid-19 bùng phát, chuỗi cung cầu bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp còn không thể nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất.

Xuất siêu 1,29 tỷ USD, nhập siêu từ ASEAN tăng 194%

Với kết quả xuất nhập khẩu như trên, Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa đang thặng dư 1,29 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,21 tỷ USD.

Xét cụ thể về thị trường, 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang EU 7,3 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 16,3 tỷ USD, tăng 68,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 10 tỷ USD, tăng 20,5%. Đặc biệt, nhập siêu từ ASEAN lên tới 5,4 tỷ USD, tăng 194,1%.

Trong 4 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường ASEAN 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%, trong khi nhập khẩu từ thị trường này 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất sang Trung Quốc 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%; sang EU 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; sang Hàn Quốc 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; còn sang Nhật Bản 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc 33,1 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; từ Nhật Bản 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; từ EU 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; và từ Hoa Kỳ 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.

Tin bài liên quan