Tiêu - một trong ba mặt hàng xuất khẩu chính của Pitco bị trượt giá mạnh so với cùng kỳ.
Giảm 80% mục tiêu lợi nhuận
Dù mới đi qua 2/3 thời gian của năm tài chính, Pitco đã xác định năm 2020 là kỳ kinh doanh ảm đạm. Mục tiêu kinh doanh đặt ra hồi giữa tháng 3/2020 tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên phần nào đã dự trù tác động của biến cố bất ngờ mang tên Covid-19, nhưng bản kế hoạch điều chỉnh vừa được HĐQT đưa ra cho thấy tác động của dịch bệnh lên doanh nghiệp xuất khẩu này còn nặng nề hơn nhiều.
HĐQT Pitco đã đề xuất được giảm 34% doanh thu và tới 80% mục tiêu lợi nhuận đặt ra trước đó. Cụ thể, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế sau điều chỉnh lần lượt là 443 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng, giảm 51% và 87% so với kết quả đạt được năm 2019.
Báo cáo bán niên đã được soát xét cho thấy Pitco thu về 242 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng 47% cùng kỳ. Lợi nhuận kỳ này chỉ vỏn vẹn 676 triệu đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 2,7 tỷ đồng. Trong khi tình hình kinh doanh sụt giảm, Pitco lại phải vay nợ thêm từ ngân hàng hơn 50 tỷ đồng. Vốn bị đọng lại đáng kể ở hàng tồn kho và khoản công nợ do khách hàng mua chịu. Tồn kho tại ngày 30/6 đã cao gần gấp đôi, từ 68 tỷ đồng tăng lên 120,5 tỷ đồng.
Bởi phụ thuộc vào mùa vụ nông sản, nửa đầu năm là khoảng thời gian kinh doanh chính của Pitco. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, khi đã qua mùa vụ nông sản, hoạt động kinh doanh của Pitco sẽ suy giảm ở nửa cuối năm. Doanh thu cả năm 2020 được dự báo chỉ đạt tỷ lệ xấp xỉ 47% - 49% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tiêu, cao su và sơn đều gặp khó
92% doanh thu của công ty đến từ 5 ngành hàng gồm xăng dầu, inox và xuất khẩu hạt tiêu, cao su, sơn. Dù đã khá đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh, Covid-19 vẫn tác động đến cả 5 mảng này.
Ngành hàng xăng dầu giảm mạnh do Pitco bị hạn chế kinh doanh theo cơ chế kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn, ngành hàng inox chi bán nốt lượng hàng tồn đọng trong năm 2020. Ba ngành hàng cao su, hạt tiêu và sơn là ngành hàng xuất khẩu chủ đạo, mang lại nhiều lợi nhuận thì lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.
Đối với thị trường hạt tiêu, ngoài sản lượng giảm 30%, giá tiêu xô bình quân khoảng 38.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ là 46.000 đồng/kg. Pitco dự kiến doanh thu hạt tiêu cả năm khoảng 200 tỷ đồng, mang về 4,5 tỷ đồng lợi nhuận.
Thị trường xuất khẩu cao su lớn của Pitco là Trung Quốc và Ấn Độ với tổng tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 50% trong năm 2019. Khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc và Ẩn Độ đóng cửa biên giới, đồng thời, sức mua giảm mạnh.
“Trong nửa đầu năm 2020, Pitco không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Còn hàng xuất khẩu sang Ấn Độ bị tồn đọng lâu ngày tại cửa khẩu, khách hàng do lệnh giới nghiêm không thể lấy hàng và thanh toán đúng hạn”, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Tuyết cho hay. Các chi phí kho bãi, thủ tục nhập cảnh, lãi vay phát sinh khiến cho Pitco chịu lỗ gần 2 tỷ đồng. Dự kiến ngành hàng cao su năm 2020 chỉ hòa vốn.
Ngành hàng sơn cũng không khá hơn dù Pitco cũng kinh doanh trong nước. Thị trường nội địa chỉ đóng góp phần nhỏ lợi nhuận, còn 90% lợi nhuận đến từ hoạt động gia công xuất khẩu sơn màu cho các đối tác nước ngoài. Sản lượng nửa đầu năm chủ yếu đến từ các hợp đồng gia công đã ký cuối năm trước nên doanh thu không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các chi phí phát sinh tăng cao khi hàng hóa bị lưu giữ tại cửa khẩu lâu ngày vì dịch bệnh khiến lợi nhuận giảm còn 600 triệu đồng.
Đối tác lớn nhất của Pitco là Tập đoàn Crayola từ Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới hiện tại. Sản lượng cuối năm 2020 - đầu năm 2021sẽ xuống thấp, chỉ đủ bù đắp chi phí cố định của nhà máy. Công ty dự kiến chỉ thu về thêm 100 triệu đồng lợi nhuận trong nửa chặng đường còn lại của năm.
Bủa vây bởi các khó khăn từ dịch bệnh, việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm phù hợp với tình hình thực tế. Pitco cần được sự thông qua của các cổ đông, dự kiến thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.