Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) “đổi chủ, thay máu”, tổ chức đại hội bất thường

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) sẽ có HĐQT, ban kiểm soát mới vào ngày 22/7 tới, sau khi Tập đoàn Louis Agro hoàn tất thâu tóm và sở hữu 62% vốn.
Nhà máy sản xuất lúa gạo của Louis Agro (Nguồn: Louis Agro).

Nhà máy sản xuất lúa gạo của Louis Agro (Nguồn: Louis Agro).

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã bán hơn 9,4 triệu cổ phiếu AGM (tương đương 51,58% vốn điều lệ Angimex) từ ngày 27/5/2021, theo phương thức thoả thuận. Giá trị đã giao dịch theo mệnh giá là hơn 94,37 tỷ đồng.

Nguyễn Kim không còn là cổ đông lớn nhất tại Angimex. Cùng thời điểm nêu trên, Chủ tịch Tập đoàn Louis Agro là ông Đỗ Thành Nhân đăng ký mua vào 1,48 triệu cổ phiếu AGM, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,27% (48.400 cổ phiếu) lên 8,16% (1,49 triệu cổ phiếu) và trở thành cổ đông lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Louis Agro cho biết, Tập đoàn này đang sở hữu 62% cổ phần AGM.

Trước khi Louis Agro có quyền chi phối, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 9,4 triệu cổ phần, chiếm 51,85% vốn điều lệ của Angimex.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức cuối tháng 4/2021, Nguyễn Kim đã đề cử 4 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát vào Angimex.

Ngay phiên họp đầu tiên sau khi Đại hội này kết thúc, ông Lê Huỳnh Gia Hoàng, đại diện phần vốn của Nguyễn Kim được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Angimex nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Tuy nhiên, Đại hội bất thường sắp tới, Công ty này có các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát mới do Louis Agro đề cử.

Ngoài Louis Agro, Angimex còn 1 cổ đông lớn khác là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu hơn 5,1 triệu cổ phần; chiếm 28,17% vốn điều lệ.

Angimex nằm trong danh sách SCIC sẽ thoái vốn trong năm nay.

Các nhà đầu tư cho rằng, có 2 mục đích cơ bản nhất để Louis Agro thâu tóm Angimex.

Thứ nhất, để bổ sung thêm thành viên vào hệ sinh thái của Louis Agro trước ngày IPO của dự kiến diễn ra vào quý III năm nay.

Thứ hai, đây là cách để Louis Agro lấy về những lợi thế đang có của Angimex mà được cho là chưa khai thác hết tiềm năng.

Tập đoàn này còn tham vọng sẽ “dựng lại tượng đài ngành gạo Việt Nam”, đưa Angimex vào Top doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước.

HĐQT Angimex cũng vừa công bố nghị quyết thành lập 5 công ty con, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh lúa gạo; tổng vốn điều lệ mỗi công ty là 500 triệu đồng và thành lập theo hình thức góp vốn bằng tiền.

Để thể hiện nguồn lực của mình, Louis Agro còn trích dẫn số liệu của kiểm toán EY cho thấy, năm 2020, doanh thu của Tập đoàn đạt 1.724 tỷ đồng (không công bố mức lãi) với tổng sản lượng gạo tiêu thụ 240.000 tấn, 5 nhà máy ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Louis Agro đặt mục tiêu tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu từ 800.000 - 1 triệu tấn gạo/năm, với doanh thu dự kiến 6.000 tỷ đồng trong tương lai.

Một số chỉ tiêu kinh doanh từ năm 2017 đến năm 2020 của Angimex (Nguồn: Cafef).
Một số chỉ tiêu kinh doanh từ năm 2017 đến năm 2020 của Angimex (Nguồn: Cafef).

Nhìn vào lịch sử của Angimex có thể hiểu sơ lược về việc, vì sao Louis Agro cho rằng Angimex là tượng đài ngành gạo Việt Nam cần được dựng lại. Từ tiền thân là Công ty Ngoại thương An Giang, Angimex được thành lập vào năm 1976 theo Quyết định số 73/QĐ-76 do Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang.

Đến năm 1988, doanh nghiệp này được Bộ Kinh tế đối ngoại cho phép kinh doanh xuất khẩu gạo trực tiếp và đến năm 2011, Angimex là đơn vị đầu tiên được Bộ Công thương cấp phép theo Nghị định 109 của Chính phủ về việc xem xét đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Lúa, gạo là 1 trong 3 mảng kinh doanh chính và luôn mang về phần lớn doanh thu trong công ty (với 1.300 tỷ đồng năm 2020) bên cạnh mảng vật tư nông nghiệp và kinh doanh xe máy.

Dự án mở chuỗi cửa hàng bán lẻ gạo được Angimex triển khai từ năm 2018 đã phải dừng hoạt động vào tháng 10/2020 do không có năng lực khiến hoạt động kinh doanh này hiệu quả.

Hàng năm, Angimex sản xuất 250.000 tấn gạo, hệ thống nhà máy với tổng sức chứa 90.000 tấn. Hệ thống phân phối gạo nội địa của Angimex có 300 điểm bán tại khu vực Nam bộ.

Ngoài ra, công ty này đã phát triển hệ thống kinh doanh lúa giống với hơn 90 đại lý thuộc các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và 2 nhãn hiệu gạo tiêu dùng trong nước là An Gia và Mục Đồng.

Theo dự báo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 HĐQT Công ty, ngành lúa gạo Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng về sản xuất do thời tiết thuận lợi và một số Hiệp định Thương mại mở ra lợi thế triển vọng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của đại dịch trên toàn cầu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực được kỳ vọng ở mức cao.

Do đó, để duy trì và phát triển, doanh nghiệp này sẽ tăng cường công tác dự báo, theo dõi sát tình hình biến động của thị trường và xác định thị trường khách hàng trọng tâm; hệ thống phân phối bền vững.

Bên cạnh đó là việc tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu về chất lượng sản phẩm và đảm bảo nguồn cung cho khách hàng nội địa cũng như xuất khẩu.

Trong khi đó, mảng kinh doanh xe máy ở Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn khi thị trường đang ở giai đoạn bão hòa, không có sự tăng trưởng mạnh như trước đây.

Xu hướng khách hàng bắt đầu có sự dịch chuyển sử dụng xe máy điện, giá ô tô giảm mạnh nên nhu cầu mua xe máy của khách hàng ngày càng chậm.

Ban lãnh đạo Angimex dự đoán, ảnh hưởng cạnh tranh của giữa các hãng xe ngày càng gay gắt sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận biên của công ty.

Doanh số hợp nhất năm nay Angimex được dự tính tăng khoảng 11% so với kết quả năm 2020, ở mức 2.174 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 35 tỷ đồng, tăng 16%.

Quý đầu năm nay, công ty này hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 11% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tin bài liên quan