Xuất khẩu rau quả kỳ vọng kéo lại đơn hàng dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
Ngành rau quả đang kỳ vọng kéo được lượng đơn hàng xuất khẩu lớn trong quý IV để bù đắp sụt giảm sau 3 quý đầu năm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đang tăng tốc dịp cuối năm. Trong ảnh: Nhà máy chế biến nước hoa quả của TH tại Mộc Châu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đang tăng tốc dịp cuối năm. Trong ảnh: Nhà máy chế biến nước hoa quả của TH tại Mộc Châu.

Kéo lại đơn hàng xuất khẩu

Sở hữu chuỗi sản xuất rau quả khép kín, quy mô lớn, với hệ thống nhà máy chế biến đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất mà các thị trường khó tính yêu cầu, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) dịp này khá bận rộn, do đơn hàng đã dày đặc trong những tháng cuối năm.

Theo lãnh đạo Doveco, Covid-19 ập đến, nhưng Công ty không bị ảnh hưởng quá nhiều, bởi khách hàng tại các thị trường lớn vẫn tin và lựa chọn Doveco là nhà cung cấp đáng tin cậy.

Yếu tố để có khách hàng đi bên cạnh ngay cả khi khó khăn chính là cách thức sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, lấy chất lượng làm đầu của doanh nghiệp này.

“EVFTA có hiệu lực từ 1/8 đang tạo điều kiện để chúng tôi xuất khẩu sang nhiều thị trường trong khối EU với giá tốt nhờ được giảm thuế, với những mặt hàng chiến lược như dứa lạnh, dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, quả vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt…”, ông Đinh Gia Nghĩa, Phó tổng giám đốc Doveco cho hay.

9 tháng năm 2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm 11% so với cùng kỳ (tương đương mức giảm 300 triệu USD), nhưng quý còn lại của năm đang có nhiều tín hiệu tốt về đơn đặt hàng để ngành rau quả có thể bù đắp lại.

Cùng với Doveco, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành rau quả cũng phát đi thông tin tốt về xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho biết, cao điểm của giãn cách xã hội do dịch bệnh, chúng tôi cũng chỉ mất 3 tuần bị gián đoạn, khi thông thương lại, nhiều thị trường lớn đã lập tức đón nhận trái cây của Việt Nam.

Điều này là tín hiệu giúp các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp cho sự sụt giảm trước đó.

Cũng theo ông Tùng, thời điểm cam go nhất, Vina T&T dự kiến sụt giảm 20% kim ngạch xuất khẩu, nhưng đến giờ này, có thể thở phào để nói rằng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 5-10% so với cùng kỳ. Năm 2019, Vina T&T đạt kim ngạch 43 triệu USD và năm 2020 chắc chắn sẽ vượt được mốc này.

Tăng năng lực cung ứng

Dù đang tập trung hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, tận dụng cơ hội xuất hàng phục vụ mùa tiêu dùng cuối năm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn triển khai các dự án lớn để tạo đà cho tăng trưởng những năm tới.

Theo dự báo, đến năm 2022, thị trường trái cây và rau quả chế biến toàn cầu sẽ đạt 346 tỷ USD. Ngành rau quả Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu khi chiến lược đầu tư phát triển theo chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo truy xuất các khâu trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt, EVFTA đang tạo điều kiện cho các nhà sản xuất chuyên nghiệp có cơ hội làm ăn lớn, do đó, các dự án đầu tư giai đoạn này đều có công nghệ tiên tiến nhất, chế biến được các sản phẩm mà người tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản ưa chuộng.

Ngay trong tháng 9, Doveco đã khởi công Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, diện tích gần 9 ha, là trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu; hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu.

Dự án với tổ hợp 3 nhà máy, gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 20.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Tropical Food (Italia); Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm.

Trên mỗi dây chuyền sản xuất có thể đồng thời chế biến được đa dạng các loại nguyên liệu rau quả sẵn có ở Sơn La.

Dự kiến, Trung tâm chế biến rau quả Doveco hoàn thành vào cuối năm 2021, khi đi vào hoạt động sẽ thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn sản phẩm rau quả các loại như chanh dây, xoài, dứa, chuối, bơ, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương… với kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 90 triệu USD.

Ông Đinh Gia Nghĩa cho biết, để kiểm soát dư lượng chất cấm, doanh nghiệp đã cùng nông dân xây dựng những vùng trồng đảm bảo chất lượng, tuân thủ không sử dụng các chất mà thị trường nhập khẩu cấm.

Một dự án lớn khác của Tập đoàn TH tại Sơn La cũng được khánh thành mới đây, tăng lực cho ngành xuất khẩu rau quả.

Theo đó, giai đoạn I, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, có công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược, mức đầu tư 1.200 tỷ đồng đã đi vào hoạt động.

Giai đoạn II sẽ triển khai sau năm 2025, chuyên chế biến các loại quả như nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo… và sản xuất các loại nước ép rau, củ, quả tự nhiên xuất khẩu.

Nhà máy của TH sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP. Với kỹ thuật này, các sản phẩm sẽ lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng, mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành nông nghiệp đang nỗ lực về đích với kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm nay, trong đó rau quả sẽ đóng góp khoảng 3,5-3,6 tỷ USD.

Với những dự án lớn đã và đang được doanh nghiệp đầu tư, mục tiêu tăng năng lực sản xuất, gia tăng kim ngạch xuất khẩu đang dần trở thành hiện thực.

Tin bài liên quan