Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 dự báo đạt 6 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2020. Ảnh: Dũng Minh.

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 dự báo đạt 6 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2020. Ảnh: Dũng Minh.

Xuất khẩu nông sản chưa thoát khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều cảng đang bị ùn ứ gạo cũng như động thái chính sách mới từ các thị trường lớn cho thấy xuất khẩu gạo tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ngày 25/8, Tân Cảng Hiệp Phước thông báo đã tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan của cảng do công nhân mắc Covid-19, dự kiến sớm nhất đến trung tuần tháng 9/2021 mới hoạt động trở lại.

Như vậy, hiện chỉ còn bến 125 Tân Cảng Cát Lái và cảng Tân Cảng Nhơn Trạch còn hoạt động để phục vụ cho việc đóng gạo bằng container. Tuy nhiên, năng lực đóng hàng của hai cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước, gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu mặt hàng gạo, ít nhất là đến hết tháng 9/2021.

Còn tại Cần Thơ, cảng Tân Cảng Thốt Nốt chưa hoạt động trở lại. Lượng hàng đang bị ùn ứ cục bộ tại cảng này tính đến ngày 26/8/2021 là 6.000 tấn, tương đương khoảng 300 container chưa đóng hàng.

Những sự kiện như trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu gạo, rộng hơn là các loại nông sản khác.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng chủ đạo là nông, lâm thủy sản; nhiên liệu và khoáng sản; công nghiệp chế biến đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu không nhiều khả quan do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, tiến độ giao hàng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cước vận tải cao tiếp tục gây áp lực lên thị trường gạo. Chẳng hạn, tại Thái Lan, vẫn có quá ít tàu sẵn sàng vận chuyển. Dù vậy, giá gạo Thái 5% tấm tăng nhẹ từ 387 – 400 USD/tấn lên 390 – 403 USD/tấn do đồng baht mạnh lên. Theo các nhà giao dịch Thái Lan, nhu cầu gạo Thái vẫn không biến động nhưng đồng baht tăng giá gần 2% hồi giữa tuần là nguyên nhân đẩy giá chào bán tăng.

Giá gạo Việt 5% tấm đi ngang ở mức 385 USD/tấn, do ảnh hưởng của việc phong tỏa bởi Covid-19 buộc nhiều nhà xuất khẩu phải thông báo cho khách hàng về tình trạng chậm trễ giao hàng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 dự báo đạt 6 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2020.

Trong khi đó, các thị trường đang có những chuyển động khó khăn hơn cho xuất khẩu nông sản.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam như quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu đối với nông sản Việt Nam.

Hơn nữa, Trung Quốc chỉ cho phép nhập một số mặt hàng nông sản, chủ yếu là trái cây qua các cửa khẩu nhất định.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 18/8/2021, Trung Quốc đưa ra những quy định mới tại cửa khẩu, tuyệt đối không cho lái xe và chủ hàng Việt Nam đưa xe hàng sang Trung Quốc, mà phải giao xe hàng để lái xe của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, lái xe phía nước bạn sẽ đánh xe trở lại bãi để trao trả.

Từ ngày 18/8/2021, Trung Quốc đưa ra những quy định mới tại cửa khẩu, tuyệt đối không cho lái xe và chủ hàng Việt Nam đưa xe hàng sang Trung Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quy định mới này khiến doanh nghiệp Việt phải tốn kém thêm chi phí và bị động trong kinh doanh. Không chỉ vướng phải những rào cản từ cơ quan chuyên ngành Trung ương của nước bạn, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn phải đối mặt với những cản trở ở cấp địa phương.

Một số quốc gia đã đẩy mạnh an ninh lương thực bằng cách đưa các giống lúa mới vào sản xuất. Global Times đưa tin những cánh đồng rộng 10.000 m2 trồng giống lúa cao tới 2m sắp sửa cho thu hoạch vào tháng 9 tới đây tại làng Changhong thuộc thành phố Trùng Khánh.

Ông Chen Yangpiao, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa nước Quốc gia Trung Quốc cho hay họ bắt đầu gieo hạt cho giống lúa khổng lồ vào tháng 4 năm nay và cấy lúa một tháng sau đó.

Chiều cao trung bình của cây lúa mới này là từ 1,8 – 2,25 m, cao hơn nhiều so với cây bình thường, có khả năng chống ngập úng và chịu được đất mặn, cho năng suất cao. Từ năm tới, hàng nghìn cánh đồng ở Trùng Khánh sẽ triển khai dự án trồng lúa khổng lồ.

Còn Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép trồng đại trà gạo biến đổi gene Golden Rice. Sau giai đoạn thử nghiệm thực địa gần một thập kỷ, Golden Rice sẽ được trồng đại trà ở các khu vực có tỷ lệ thiếu vitamin A cao vào quý III/2022 trước khi bán rộng rãi.

Tin bài liên quan