Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 16,4 tỷ USD (tăng 2,3%); thuỷ sản 7,24 tỷ USD (tăng 6,2%); chăn nuôi 0,46 tỷ USD (tăng 9,5%); lâm sản chính ước đạt 7,6 tỷ USD (tăng 16,3%).
Về mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2018 đạt 264.000 tấn, giá trị 136 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 5,2 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia, Iraq, Philippines và Malaysia... Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 503 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Cao nhất là giá xuất khẩu của gạo thơm/Jasmine đạt 575 USD/tấn; tiếp đến giá gạo Japonica/gạo Nhật xuất khẩu đạt mức 526 USD/tấn; gạo 5% tấm đạt 410 USD/tấn, cao hơn của Ấn Độ, tương đương Thái Lan (411 USD/tấn).
Dự báo tháng 11/2018, giá lúa trong nước sẽ tiếp tục tăng do các doanh nghiệp thu mua thêm lúa gạo để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trong tháng 10/2018 và các đơn hàng có thể trúng thầu trong các đợt đấu thầu cuối năm.
Mặt hàng sắn cũng có sự tăng trưởng tốt. Xuất khẩu sắn trong 10 tháng đạt 1,92 triệu tấn với 739,6 triệu USD, giảm 9,78% về lượng nhưng tăng 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù lượng sắn xuất khẩu sụt giảm mạnh so với năm 2017 nhưng giá xuất khẩu lại tăng mạnh 28,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhiều mặt hàng nông sản chế biến sâu thu hút được các thị trường khó tính - Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
Giá xuất khẩu trung bình sắn lát Việt Nam trong tháng 10 đạt 255 USD/tấn và giá xuất khẩu trung bình tinh bột sắn Việt Nam đạt 468 USD/tấn, tương đương với mức tăng lần lượt là 28,8% và 49,2% so với cùng kì năm trước.
Mặt hàng rau quả đến nay đã xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Từ nay đến hết năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau củ quả/năm), nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất 150.000 tấn/năm) sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
Ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD năm 2018.
Giá trị xuất khẩu cà phê đã lấy lại sự tăng trưởng nhẹ sau thời gian dài đi xuống. Đến nay, xuất khẩu cà phê đạt 1,57 triệu tấn với 2,98 tỷ USD, tăng 21,3% về khối lượng và tăng 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017
. Dự báo thị trường cà phê vẫn còn chưa phục hồi nhanh trong ngắn hạn do sản lượng toàn cầu có khả năng dư thừa và Việt Nam đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê Robusta mới năm nay.
Tuy nhiên, vẫn nhiều sản phẩm từ cây công nghiệp chưa có sự bứt phá như tiêu, cao su, chè… Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu đạt 676 triệu USD, giảm 33,4%; cao su đạt 1,66 tỷ USD, giảm 7,3%; chè đạt 171 triệu USD, giảm 7,7%.