Tăng trưởng cao giữa đại dịch
Nằm trong danh sách 30 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục giữ vững vị trí số 2 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (sau điện thoại và linh kiện)
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh là do nhu cầu thị trường tăng cao vì ảnh hưởng của Covid-19, dẫn đến người lao động bắt buộc phải làm việc tại nhà.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong giai đoạn năm 2016 - 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,8%/năm.
Ngành điện tử đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất trong giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt 17 - 18%/năm; giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 - 21%/năm. Mục tiêu là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực, cung ứng cho thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu.
(Nguồn: Quy hoạch Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn năm 2030)
Nhóm hàng này đã giúp Việt Nam liên tiếp lập nhiều kỳ tích về xuất khẩu. Từ vị trí là nước đứng thứ 47 (năm 2001), Việt Nam đã vươn lên vị trí 12 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với kim ngạch 44,6 tỷ USD trong năm 2020, tăng 24,1% (tương đương 8,7 tỷ USD) so với 2019.
Cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử thời gian gần đây có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nguyên chiếc và bán thành phẩm chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và 70% đối với nhóm điện thoại các loại. Trong đó, tỷ trọng các sản phẩm máy tính bảng, linh kiện máy tính, ti vi, thiết bị máy văn phòng, điện thoại nguyên chiếc… ngày càng tăng.
Mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. Trong đó, 9 thị trường xuất khẩu hàng đầu, gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) đang chiếm 88,6% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện.
Nhà đầu tư tiếp tục bơm vốn
Năm 2021, ngành điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì Covid-19.
“Dịch bệnh cũng khiến các công ty sản xuất máy tính, điện tử trên thế giới phải đóng cửa, trong khi sản xuất tại Việt Nam dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá. Chỉ số sản xuất (PPI) của ngành hàng này vẫn tăng 12% trong 8 tháng của năm 2021. Do đó, xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020”, Bộ Công thương dự báo.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao từ sau năm 2008, sau khi các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Canon đưa các nhà máy sản xuất tại Việt Nam vào hoạt động. Tuy nhiên, xuất khẩu một số mặt hàng trong nhóm này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của sản phẩm cùng loại từ thị trường trong khu vực ASEAN và Trung Quốc, như điện thoại các loại, linh kiện máy tính, linh kiện điện tử, thiết bị máy văn phòng...
Dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, Việt Nam vẫn không ngừng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử, từ đó thúc đẩy dư địa tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bởi nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất.
Việt Nam cũng liên tục cấp phép các dự án mới và dự án điều chỉnh tăng vốn trong lĩnh vực này. Trong dó, điển hình là Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) vừa được cấp điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD.
Ông Suk Myung Su, Tổng giám đốc LG Display Hải Phòng cho biết, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất lớn của Hãng. Minh chứng là mới đầu năm nay, LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 750 triệu USD và đến cuối tháng 8 tiếp tục điều chỉnh tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD. Tại Hải Phòng, ngoài Dự án LG Display, Tập đoàn LG còn có nhà máy LG Electronics, chuyên sản xuất đồ điện tử gia dụng, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và Dự án LG Innotek với vốn đầu tư 1,051 tỷ USD.
Trước đó, đầu năm 2021, Foxconn đầu tư Dự án Sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay với vốn đăng ký 270 triệu USD tại Bắc Giang, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm. Tỉnh Quảng Ninh cũng cấp phép cho Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD, chuyên sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác.
Động thái bơm vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong những năm tới. Đơn cử, với việc tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, LG Display sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng, giúp tăng doanh thu xuất khẩu của LG Display Hải Phòng sau khi được đầu tư mở rộng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm. Năm 2020, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này đạt khoảng 9 tỷ USD.