Xuất khẩu lao động không hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho họ đi làm thuê kiếm 20-30 triệu đồng mỗi tháng

Xuất khẩu lao động không hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho họ đi làm thuê kiếm 20-30 triệu đồng mỗi tháng

Xuất khẩu lao động: Câu chuyện “phá rào” của Đồng Tháp

Sau khi người đi lao động xuất khẩu trở về, ai muốn khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, chính quyền Đồng Tháp sẽ cử chuyên gia, những người có kinh nghiệm đến tận nơi để hỗ trợ giúp đỡ.

Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi (xuất khẩu lao động) vào sáng 10/6, Bí thư tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan rất tâm đắc khi Dự luật cho phép cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh; thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cũng được tham gia xuất khẩu lao động.

Đồng Tháp "phá rào"

Bí thư tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Văn Hoan giãi bày, khi các cơ quan chuyên môn của Đồng Tháp xây dựng Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thì cần phải chuyển một bộ phận lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tức là phải tạo việc làm cho người lao động làm nông nghiệp ở khu vực nông thôn để họ vẫn sống ở nông thôn nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nữa mà chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp.

Để làm được việc này, bên cạnh tổ chức đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thì cần phải có thêm hướng đi khác nữa vì lãnh đạo địa phương dù có tâm huyết, lao tâm khổ tứ cũng không thể thực hiện được. Hướng đi đó là là đưa lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn với phương châm “ra đi làm thuê, trở về làm chủ”.

“Với phương châm này, chúng tôi xác định xuất khẩu lao động không hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho họ đi làm thuê kiếm 20-30 triệu đồng mỗi tháng mà quan trọng hơn là sau thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động trở về đem theo tư duy lao động mới, thái độ làm việc mới, kỹ năng, ý thức kỷ luật trong lao động để về phát triển kinh tế gia đình, đi làm việc trong các doanh nghiệp tại địa phương và cao hơn là họ có thể sử dụng số tiền tích lũy được khi đi làm thuê để thành lập doanh nghiệp, tạo việc làm cho mình, cho người khác, đóng góp cho xã hội bằng “cái đầu” của họ sau thời gian xuất khẩu lao động”, ông Hoan chia sẻ.

Luật xuất khẩu lao động hiện hành chỉ cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ ngành mới được tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động nên Đồng Tháp phải “phá rào” bằng cách giao thêm nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh đảm nhiệm ngoài chức năng, nhiệm vụ mà Trung tâm này vẫn đang thực hiện.

Ông Hoan nhắc lại, mục tiêu chính của việc đưa người lao động sang nước ngoài làm việc không phải chỉ là tạo điều kiện cho họ kiếm tiền trong thời gian ngắn mà muốn thay đổi bộ mặt nông thôn, tái cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động nên Trung tâm Dịch vụ việc làm được giao nhiệm vụ phải quản lý chặt chẽ người lao động trong cả 3 giai đoạn: trước khi đi, trong khi làm việc và sau khi trở về.

Trước khi người lao động đi, Trung tâm sàng lọc lao động rất kỹ và chỉ tuyển chọn những người có đủ điều kiện, tổ chức đào tạo nghề; tuyên truyền, phổ biến về văn hóa nước sở tại mà người lao động đến, nâng cao kiến thức văn hóa của người Việt.

“Với những kiến thức đã học được, khi người lao động sang nước ngoài làm việc họ tự tin hơn, hòa nhập với người sở tại cũng như người lao động từ các nước khác đến tốt hơn và ý thức lao động, tinh thần, thái độ làm việc của họ cũng tốt hơn. Còn ở nhà, chúng tôi thành lập các câu lạc bộ của những gia đình có con em đi xuất khẩu lao động để họ chia sẻ với nhau cách thức sử dụng, chi tiêu, tiết kiệm đồng tiền mồ hôi nước mắt mà con em mình gửi về, nên không để xảy ra tình trạng tiền nước ngoài gửi về bị tiêu phung phí”, ông Hoan cho hay.

“Sau khi người lao động trở về, ai muốn đi làm việc cho doanh nghiệp trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh sẽ giới thiệu, kết nối. Ai muốn khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp hoặc bỏ vốn ra kinh doanh thì chính quyền sẽ cử chuyên gia, những người có kinh nghiệm đến tận nơi để hỗ trợ giúp đỡ. Với những người khởi nghiệp trong lĩnh vực mà trên địa bàn đã có doanh nghiệp hoạt động, ví dụ như chế biến nông sản, thủy sản chẳng hạn thì tỉnh cũng sẽ kết nối họ với doanh nghiệp để cùng hợp tác thu mua sản phẩm, hợp làm ăn với nhau. Nhờ tất cả những giải pháp này mà những người đi xuất khẩu lao động do địa phương trực tiếp thực hiện đều có cuộc sống tốt hơn rất nhiều”, lãnh đạo Đồng Tháp "khoe" thành quả.

Giải tỏa băn khoăn

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, ông Đào Ngọc Dung cho biết, khi mới biết mô hình ở Đồng Tháp và 3 địa phương khác “phá rào” trong xuất khẩu lao động, rất nhiều người phản đối. Vì trên thực tế, Luật xuất khẩu lao động hiện hành cũng cho phép đơn vị sự nghiệp công lập ở các bộ ngành được tham gia vào việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn nhưng không bộ ngành nào làm, vì làm không hiệu quả. Nhưng sau một thời gian thí điểm ở một số tỉnh, thấy mô hình này rất hiệu quả mới mạnh dạn đưa vào Luật xuất khẩu lao động sửa đổi lần này.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, là một trong những người được giao trọng trách thẩm tra Dự thảo Luật xuất khẩu lao động sửa đổi lần này chia sẻ, ban đầu khi Dự thảo cho phép cả đơn vị sự nghiệp công lập ở trực thuộc UBDN cấp tỉnh và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở ngành địa phương tham gia thị trường xuất khẩu lao động, ông cũng như nhiều thành viên trong Ủy ban không đồng tình và hoài nghi hiệu quả hoạt động.

Theo ông Lợi, mới đầu nhiều thành viên của Ủy ban đặt ra rất nhiều câu hỏi như việc bổ sung quy định này có phù hợp với chủ trương xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, giảm đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW (ngày 25/10/2017) không? Có có làm phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công sử dụng vốn ngoài ngân sách?

Tuy nhiên sau khi “mục sở thị” hoạt động hiệu quả của các trung tâm dịch vụ việc làm tham gia xuất khẩu lao động, ông Lợi cho biết ông đã đổi ý và ủng hộ việc cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBDN cấp tỉnh được tham gia vào xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang vẫn rất băn khoăn vì doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu lao động phải đáp ứng rất nhiều điều kiện về vốn pháp định, tổ chức, bộ máy, trình độ chuyên môn… mà còn để xảy ra rất nhiều hạn chế, thậm chí là lừa đảo người lao động, lao động bỏ trốn, lao động phá vỡ hợp đồng thì với đơn vị sự nghiệp công lập không có chuyên môn, hoạt động không chuyên nghiệp nên dễ xảy ra hạn chế, tiêu cực.

Tin bài liên quan