Hơn 190 tấn tôm đầu tiên sang các thị trường cao cấp
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, đây là lô hàng đầu tiên mở màn năm mới 2021 của nhóm ngành thủy sản, do Bộ NNPTNT tổ chức xuất khẩu sang hàng loạt thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Lô tôm gồm 8 container với hơn 190 tấn tôm do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Khu Công Nghiệp Sông Hậu, giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) chế biến sẽ mở đầu cho thủy sản xuất khẩu đi các nước.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, biến đổi khí hậu tác động xấu đến việc thả giống, nuôi trồng…, nhưng ngành thủy sản vẫn đạt được kết quả đáng tự hào.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản năm 2020 vẫn tiếp tục duy trì, tăng 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD. Riêng xuất khẩu tôm năm 2020 tăng 6,73% về lượng và 11,24% về trị giá so với năm 2019, đạt 411,45 ngàn tấn với trị giá 3,7tỷ USD.
Có được kết quả này là nhờ sự định hướng chính xác, sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống, đặc biệt những nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn bộ tập thể con người trong ngành thủy sản, từ những trại nuôi đêm ngày chăm chút cho từng con tôm; từ những công nhân cặm cụi bên những sản phẩm tại các phân xưởng chế biến; từ những thương nhân, doanh nghiệp luôn tìm tòi tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới, sản phẩm mới.
Cũng tại buổi lễ, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho biết, năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp tôm giữ mức xuất khẩu ổn định. Có 35 doanh nghiệp tôm lọt trong Top 100 doanh nghiệp của năm 2020, có 22 doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu tăng từ 0,3% đến 57%, trong đó có 2 công ty lần đầu vào top 100 doanh nghiệp.
Xuất khẩu tôm sẽ vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2021
Theo các chuyên gia, bước sang năm 2021, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ ổn định sản xuất và xuất khẩu trong điều kiện Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, bởi nhu cầu thế giới vẫn ổn định trong khi các nước xuất khẩu khác chưa kịp phục hồi. Cùng với đó là lợi thế từ thuế quan cho xuất khẩu sản phẩm tôm nuôi trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Dự báo, năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% đạt 9,4 tỷ USD, riêng xuất khẩu tôm tăng khoảng 15%, vượt mốc 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển nông sản (Bộ NNPTNT), kinh tế thế giới năm 2021 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường thể hiện ở việc cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại, cạnh tranh thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt; đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cả về tác động và cường độ…
Để đạt được mục tiêu trên, theo các chuyên gia, cần giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành tôm nuôi, phấn đấu đạt sản lượng 1 triệu tấn tôm thẻ vào cuối năm 2021; thực hiện có trách nhiệm công tác truy xuất nguồn gốc, đáp ứng xu hướng tiêu dùng; hài hòa các chứng nhận quốc tế cho sản phẩm tôm xuất khẩu; tăng quy mô chế biến sâu sản phẩm tôm, tăng cường chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm chương trình ao nuôi có đánh số theo Luật Thủy Sản.
Dự báo năm 2021, đối với thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm.
Đối với thị trường Mỹ, thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ.
Đối với thị trường EU, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng mạnh thị phần do có lợi thế từ EVFTA và năm 2021 EU sẽ trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỉ USD của Việt Nam.
Đối với thị trường Trung Quốc, dự báo xuất khẩu tôm chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.
Trong khi đó, Nauy là thị trường tiềm năng cho mặt hàng tôm và cá ngừ trong thời gian tới.
Dự báo, năm 2021, một số thị trường vẫn có đà tăng trưởng tốt như: Anh, Canada, Australia, Hồng Kông, Nga, Thuỵ Sỹ, Chilê, Papua New Guinea, Nam Phi, Pakistan, Kuwait.