Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vừa có báo cáo sơ lược tình hình sản xuất - kinh doanh của ngành trong năm 2021, với mức tăng trưởng khả quan. Theo đó, ước tính giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Trong đó, riêng xuất khẩu các mặt hàng may mặc dự kiến đạt 28,9 tỷ USD, tăng khoảng 4,5% so với năm 2020; xuất xơ sợi sang Trung Quốc dự kiến đạt 5,5 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2020 và tăng 32% so với năm 2019.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) cho biết, trong tháng 11, Công ty đạt 435,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 119 tỷ đồng, tương đương tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng, Công ty đạt 4.977,6 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 104% kế hoạch năm, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ.
Trước đó, trong quý III - giai đoạn cao điểm của dịch bệnh và giãn cách xã hội ở trong nước, khi GDP cả nước âm 6,17%, hàng loạt doanh nghiệp ngành dệt may vẫn tăng trưởng tốt. Chẳng hạn, TNG ghi nhận doanh thu 4.080 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 169 tỷ đồng, tăng 31%.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) báo lãi ròng gần 187 tỷ đồng trong quý này, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinatex ghi nhận doanh thu thuần tăng 8%, đạt 11.112 tỷ đồng và lãi ròng gần 567 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Tương tự, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) có doanh thu thuần quý III/2021 tăng 43% so cùng kỳ năm 2020, đạt gần 469 tỷ đồng và lãi ròng hơn 62 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã HTG) thu về 48 tỷ đồng lãi ròng, gấp 3 lần cùng kỳ…
Nằm trong vùng tâm dịch, Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) lỗ ròng 3 tỷ đồng trong quý III, nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp đã bứt phá với doanh thu 262 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ và tăng 46% so với tháng 9; lãi ròng đạt 1,8 tỷ đồng sau hai tháng thua lỗ liên tiếp, với lợi nhuận lần lượt âm 282 tỷ đồng và 603 tỷ đồng.
Hai năm qua, ngành dệt may chịu nhiều khó khăn, thách thức. Khi dịch bệnh xuất hiện hồi đầu năm 2020, giãn cách xã hội đã khiến một ngành phụ thuộc lớn vào nhập khẩu đầu vào như dệt may bị đứt gãy chuỗi cung ứng do không có nguồn nguyên liệu.
Đến khi sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi thì dịch hoành hành tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, EU khiến số lượng đơn hàng giảm sút. Tiếp đó, khi Mỹ và EU phục hồi, có nhu cầu cao về dệt may thì một lần nữa, dịch bệnh lại bùng phát ở Việt Nam gây nên khủng hoảng thiếu nhân lực.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ngành dệt may Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhờ đón nhận những cơ hội lớn của ba làn sóng: sự tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ dệt may nội địa và thế giới, sự chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất – thương mại dệt may toàn cầu và cơ hội đột phá từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Theo đó, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã mở cửa trở lại. Chúng ta có lợi thế so sánh về nhân công, tỷ giá và có thuận lợi đối với xu hướng chuyển dịch các đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cùng với đó, nguồn nhân công lao động dồi dào luôn sẵn sàng quay lại làm việc, nguồn cung ứng nguyên vật liệu cũng đã được lưu thông.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS, năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường do có sự xuất hiện của biến chủng Omicron, song ngành dệt may Việt Nam đang ghi nhận một số tín hiệu tích cực.
VITAS xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022, trong đó kịch bản tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 - 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022.
Kịch bản trung bình đạt 40 - 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm 2022 và kịch bản thấp nhất đạt 38 - 39 tỷ USD, trong trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022.
Ông Cẩm cũng cho biết, hiện tại, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng ít nhất đến hết quý II/2022.
Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, ngành dệt may sẽ hồi phục hoàn toàn vào quý II/2022 nhờ lợi thế đi theo sau sự phục hồi của Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam. Ngoài ra, khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này.