Với đội ngũ nhân lực công nghệ trẻ và chi phí cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam liệu có thể “đón sóng”, thâm nhập vào thị trường tỷ đô này hay không?
Triển vọng thị trường công nghệ Mỹ ngày một tươi sáng hơn
Tại báo cáo mới nhất (công bố ngày 16/7/2021), công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Forrester đã nâng dự báo triển vọng thị trường công nghệ Mỹ dựa theo những chuyển biến mới tích cực.
Cụ thể, theo cập nhật của New York Times, tính đến ngày 8/8/2021, 71% số người trưởng thành tại Mỹ đã được tiêm vaccine Covid-19, các doanh nghiệp bắt đầu cho nhân viên trở lại văn phòng, các cửa hàng và nhà máy cũng mở cửa hoạt động bình thường… Nhờ vậy, nền kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng 6% vào năm 2021 - mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Ở báo cáo trước đó, Forrester ước tính tổng thể ngân sách chi cho công nghệ của Mỹ sẽ tăng 6% vào năm 2021 và khoảng 6,8% vào năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, Công ty đã có sự điều chỉnh với dự báo ngân sách chi cho công nghệ của Mỹ sẽ tăng 7,4% vào năm 2021 và 6,7% vào năm 2022.
Theo Forrester, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cũng có nghĩa là, các doanh nghiệp có điều kiện để chi tiền mạnh tay hơn cho công nghệ thông tin nói chung và nhanh chóng giải ngân trong giai đoạn 2021-2022. Cùng với đó, báo cáo của Statista cho thấy, mức chi tiêu lĩnh vực công nghệ tại Mỹ có thể đạt khoảng 1.940 tỷ USD năm 2021.
Trong đó, Forrester ước tính chi tiêu cho phần mềm sẽ tăng mạnh nhất với tốc độ dự kiến vào khoảng 10% trong năm 2021 và hơn 11% vào năm 2022. Nguyên nhân do các doanh nghiệp mong muốn nhanh chóng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, các dịch vụ tư vấn công nghệ và thuê ngoài dịch vụ cũng sẽ tăng đáng kể, trong bối cảnh các tập đoàn từ nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau sẽ tiếp tục đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin, thiên về chuyển đối số và tối ưu hoá chi phí, nhằm nâng cao quy trình kinh doanh hiện tại, cải thiện trải nghiệm khách hàng với mục tiêu chính là đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững hậu Covid.
Cơ hội mở ra cho doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư công nghệ gia tăng, các tập đoàn Mỹ sẽ đẩy mạnh thuê ngoài để vừa đảm bảo năng lực công nghệ, vừa hiệu quả về chi phí, trong khi không ảnh hưởng đến chất lượng các dự án công nghệ thông tin của mình.
Theo báo cáo 2021 của A.T.Kearney, các quốc gia hấp dẫn nhất trong việc cung cấp dịch vụ phần mềm nhờ lợi thế về chi phí bao gồm một số tên tuổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Brazil, Việt Nam… Đây cũng là những quốc gia sẽ hưởng lợi từ làn sóng chi tiêu công nghệ tại thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất toàn cầu, theo CompTIA, với quy mô khoảng 1,6 nghìn tỷ USD năm 2021.
Thực tế, các doanh nghiệp Ấn Độ đã tận dụng tốt thời cơ và thực hiện một số thương vụ đình đám. Chẳng hạn, Infosys thắng hợp đồng 3,2 tỷ USD với Daimler, ký kết hợp tác với các công ty lớn như Rolls-Royce, Vanguard; hay Wipro hợp tác cùng Metro AG với thoả thuận có thể lên tới 1 tỷ USD…
Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng có cơ hội để khai thác mạnh mẽ hơn “mảnh đất màu mỡ” tại thị trường Mỹ, nhất là khi Việt Nam đứng thứ 6 trong Top các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm toàn cầu, với lực lượng lao động trẻ dồi dào, khả năng tiếp nhận công nghệ mới nhanh chóng và đặc biệt là chi phí cạnh tranh…
Trong đó, một trong những doanh nghiệp Việt đang bứt tốc tại thị trường Mỹ là FPT, với doanh thu tại thị trường này tăng 41% trong nửa đầu năm 2021.
Đáng chú ý, FPT có động thái chủ động đầu tư để mở rộng thị trường và nâng cao khả năng cung cấp sản phẩm – dịch vụ. Đầu năm 2021, FPT đã thành lập trung tâm sản xuất đầu tiên tại châu Mỹ nhằm phục vụ khách hàng Mỹ - thị trường khó tính hàng đầu thế giới.
Tiếp đó, vào cuối tháng 7/2021, FPT công bố đầu tư vào Intertec International – doanh nghiệp dịch vụ công nghệ hơn 20 năm kinh nghiệm, từ đó có quyền tiếp cận và sử dụng nguồn lực tại 2 trung tâm dịch vụ của Intertec tại châu Mỹ. Như vậy, việc hợp tác giúp FPT mở rộng cơ hội kinh doanh, có thêm nguồn lực nhân sự và cơ sở vật chất, đáp ứng tốt và kịp thời ngay khi khách hàng cần tại thị trường này.
Cơ hội luôn hiện hữu tại thị trường công nghệ lớn nhất toàn cầu, theo đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt có thể tận dụng thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh, tăng trưởng ngược dòng trong khi doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác vẫn đang gắng sức vượt khó.