Việc Mỹ áp thuế rất cao sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ

Việc Mỹ áp thuế rất cao sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ: Cửa hẹp dần

(ĐTCK) Doanh nghiệp cá tra Việt Nam vừa đón nhận một tin xấu khi Bộ Thương mại Mỹ đột ngột ra quyết định xem xét áp thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức cao ngất ngưởng. Cửa xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang hẹp dần, doanh nghiệp buộc phải tìm thêm hướng đi mới.

Vừa khởi sắc đã vội lo âu

Năm 2017, xuất khẩu cá tra đem về cho Việt Nam gần 1,8 tỷ USD, tăng trưởng 4% so với năm 2016. Đây là con số đáng mừng, đánh dấu sự khởi sắc của doanh nghiệp cá tra sau nhiều năm thăng trầm. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cá tra đang niêm yết trên sàn chứng khoán năm vừa qua cũng rất khả quan.

Theo đó, Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận năm 2017 lãi 593 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với năm 2016 và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015 (đạt 321 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI) cũng có một năm kinh doanh tăng trưởng ngoạn mục. Theo Báo cáo tài chính của IDI, năm 2017, Công ty lãi 354 tỷ đồng. Riêng quý IV/2017, lợi nhuận đạt 123 tỷ đồng, tăng 231% so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017 cũng là năm tốt nhất của IDI kể từ năm 2013 trở lại đây, khi lợi nhuận của Công ty cao gấp 8,6 lần so với năm 2013 (chỉ đạt 41 tỷ đồng), cao gấp 3 lần so với năm 2015 và 2016.

Mới đây, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết, nhóm doanh nghiệp thủy sản, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh cá tra, được liệt vào danh sách được hưởng lợi nhiều nhất. Đánh giá về tác động của CPTPP đối với doanh nghiệp ngành thủy sản, cả BVSC và HSBC đều nhìn nhận, doanh nghiệp sẽ có đà tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường rộng mở và dễ thở hơn.

Tuy nhiên, niềm vui vừa mới nhen lên, doanh nghiệp thủy sản đã vội lo âu, bởi nếu các thị trường Liên minh châu Âu (EU) và châu Á được mở rộng thì thị trường Mỹ lại gặp nhiều khó khăn. Ngày 17/3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đột ngột ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) áp thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1/8/2015 - 31/7/2016) với mức thuế tăng khủng.

Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Trong đó, 9 doanh nghiệp thuộc nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt bao gồm: Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisherie phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.

Đặc biệt, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hoàng Long và Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II bị áp mức thuế cao nhất, lên tới 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay, đồng thời cũng là mức thuế chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, phó giám đốc một đơn vị xúc tiến thương mại xuất khẩu thủy sản cho rằng, mức áp thuế này thực sự gây sốc đối với doanh nghiệp đang kinh doanh xuất khẩu cá tra. Vị này cho biết, hiện cá tra Việt Nam xuất đi Mỹ có giá khoảng 3 - 3,5 USD/kg. Với mức áp thuế 3,87 USD/kg, doanh nghiệp Việt sẽ bị lỗ. Còn áp mức 7,74 USD/kg, cao gấp đôi so với giá xuất đi thì doanh nghiệp gần như không còn cửa để đưa hàng sang Mỹ. Không những áp thuế cao, các chương trình thanh tra cá tra và cá da trơn của Mỹ kéo dài cũng khiến không ít doanh nghiệp Việt “chán nản”.

Lãnh đạo Godaco, một trong 9 doanh nghiệp bị áp thuế 3,87 USD/kg nhìn nhận, với chính sách này, doanh nghiệp hết đường xuất khẩu cá tra vào Mỹ vì chỉ có lỗ. Godaco chuyển hướng sang châu Âu và Trung Quốc để tìm đối tác mới.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là lần đầu tiên DOC có điều chỉnh như vậy và là một mức thuế vô lý. Điều này thể hiện sự thiếu công bằng đối với doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ.

Hiện trong cơ cấu thị phần xuất khẩu cá tra, sản lượng cá tra xuất đi Mỹ đang chiếm 20%, xếp thứ hai sau thị trường Trung Quốc (23%). Hai doanh nghiệp duy trì đưa cá tra sang Mỹ là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn và Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông. Đây cũng là hai doanh nghiệp đóng góp sản lượng xuất khẩu cá tra lớn trong nhiều năm trở lại đây.

Cửa xuất khẩu vào thị trường Mỹ đối với phần lớn doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang hẹp dần. Doanh số sản lượng cá tra vào thị trường Mỹ cũng phụ thuộc nhiều vào hai doanh nghiệp Vĩnh Hoàn và Biển Đông. Bởi trong bản áp thuế chống bán phá giá mới lên sản phẩm cá tra lần này, Vĩnh Hoàn và Thủy sản Biển Đông không được yêu cầu xem xét lại, do thời kỳ trước đó (POR12) là 0% nên Vĩnh Hoàn và Biển Đông sẽ tiếp tục hưởng mức này trong POR13.

Mở rộng thị trường EU, châu Á

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đã có những phản ứng đầu tiên xung quanh câu chuyện áp thuế chống bán phá giá của Mỹ lên cá tra. Cụ thể, cổ phiếu của một số doanh nghiệp thủy sản đang có điều chỉnh theo hướng giảm.

Cổ phiếu IDI giảm 5,3% trong phiên giao dịch ngày 19/3, về mốc 15.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn giảm nhẹ, với mức giảm 1,2%, hiện còn 55.500 đồng/cổ phiếu. “Vua” cá tra một thời là Thủy sản Hùng Vương (HVG) có 4 phiên giảm liên tiếp, mức giảm gần 7%, hiện giao dịch quanh mốc 5.320 đồng/cổ phiếu.

Khi cánh cửa này khép lại sẽ có một cách cửa khác mở ra. Thấu hiểu điều này, các doanh nghiệp thủy sản đã và đang tìm cách tiếp cận mở rộng thị trường để thay thế thị trường Mỹ. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hơn một năm trở lại đây, doanh nghiệp cá tra Việt hướng mạnh sang thị trường Trung Quốc, EU và cả Trung Đông. Với thị trường Trung Quốc và Trung Đông, doanh nghiệp xác định sẽ phải xuất hàng với giá trị xuất khẩu thấp nhưng yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn không cao nên phần nào đẩy mạnh được sản lượng tiêu thụ.

Đối với Vĩnh Hoàn, mặc dù đang có thế mạnh ở thị trường Mỹ, nhưng lãnh đạo Công ty cũng xác định thời gian này sẽ tập trung nhiều cho thị trường Trung Quốc. Bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch Vĩnh Hoàn nhìn nhận, Trung Quốc là thị trường có tiềm năng lớn, đặc biệt ở phân khúc nhà hàng, chuỗi hệ thống thức ăn nhanh…

Năm 2018, cá tra xuất khẩu được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam khoảng 1,85 tỷ USD. Theo VASEP, Trung Quốc sẽ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Với tình hình thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn như hiện nay, có thể sản lượng cá tra vào các thị trường châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản sẽ tăng trưởng đột biến.

Cũng theo VASEP, bên cạnh những thị trường trọng tâm nêu trên, các thị trường khác như EU, Brazil, Mexico… cũng được doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh. Hiện nay sản lượng cá tra Việt Nam xuất sang EU chiếm 11% tổng sản lượng, Brazil và Mexico chiếm 6%. Con số này sẽ cải thiện trong năm 2018 khi thị trường Mỹ gặp khó. 

Bộ Công thương cho rằng, mức thuế mà Hoa Kỳ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Cơ quan này đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam, thảo luận tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tin bài liên quan