Xuất khẩu cả năm 2021 có thể tăng trên 10%

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải nhận định, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2021 có thể sẽ tăng trên 10%.

Thưa Thứ trưởng, hoạt động xuất khẩu đã chững lại từ tháng 8 do ảnh hưởng của việc giãn cách để phòng, chống dịch tại nhiều địa phương. Ông nhận định ra sao về sự sụt giảm này?

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Covid-19 bùng phát trở lại từ tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ngay cả một số quốc gia cho rằng có thể kiểm soát được dịch, nay vẫn bùng phát trở lại, như Singapore; còn ở trong nước, nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội...

Mặc dù vậy, ngành công thương cũng có được những kết quả nhất định. Qúy III/2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5%, nhưng tính chung 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Xuất khẩu chững lại từ tháng 8, kết quả xuất khẩu tháng 8/2021 giảm 6% so với tháng 7, nhưng sang tháng 9 thì mức giảm đã thấp hơn (giảm 0,8% so với tháng 8). Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020 với kim ngạch đạt 240,5 tỷ USD. Tôi cho rằng, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện nghiêm ngặt giãn cách, thì kết quả này là sự ghi nhận nỗ lực rất lớn của các ngành, các lĩnh vực, các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Sau các tháng 6, 7 và 8 gia tăng nhập siêu, thì xuất siêu đã quay trở lại trong tháng 9, nhưng tính chung 9 tháng của năm 2021, nhập siêu vẫn tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng nhập siêu này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Nhập khẩu trong 2 tháng gần đây đã có dấu hiệu giảm: tháng 9 giảm 3,1% so với tháng 8, và tháng 8 giảm 5,5% so với tháng 7. Về cán cân thương mại, tháng 9, Việt Nam đã xuất siêu trở lại với 500 triệu USD, nhưng tính chung 9 tháng vẫn nhập siêu 2,13 tỷ USD.

Chúng tôi đánh giá, dù nhập khẩu tăng, nhưng không phải là điều đáng lo, bởi đa phần nhập khẩu để phục vụ sản xuất những mặt hàng thiết yếu mà chúng ta đang cần và một lượng lớn nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Kinh tế thế giới phục hồi, dẫn đến nhu cầu tăng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. Thêm vào đó, giá cả hàng hóa thế giới tăng, nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu…

Đã qua 3/4 chặng đường của năm 2021 và quý IV sẽ là thời điểm quyết định trong việc chạy nước rút hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu. Với tình hình hiện nay, ông dự báo xuất khẩu cả năm 2021 “về đích” ở mức nào?

Dựa trên kết quả sản xuất công nghiệp, xuất khẩu 9 tháng và tình hình mở cửa nền kinh tế, nhất là tại các địa phương phía Nam, sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng 5 - 6%. Mặc dù kế hoạch đề ra từ đầu năm là tăng 8 - 9%, nhưng tôi cho rằng, nếu đạt được mức 5 - 6% trong bối cảnh của năm nay cũng đã là sự cố gắng rất lớn của ngành công thương và các doanh nghiệp.

Đối với hoạt động xuất khẩu, dự kiến cả năm có thể đạt mức tăng trưởng trên 10%. Đầu năm nay, ngành công thương được giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4 - 5%, nhưng chúng tôi đánh giá lạc quan hơn. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, cần tận dụng tối đa dư địa để phát triển, ngành nào, lĩnh vực nào phát triển được là phải tập trung tăng trưởng, trong đó có hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Bộ Công thương có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương trong việc khôi phục sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, thưa Thứ trưởng?

Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm để tăng tốc sản xuất, kinh doanh, bù đắp cho những tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.

Bộ cũng sẽ tiếp tục đổi mới, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến dựa trên nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản…

Tin bài liên quan