Xu thế dùng chung hạ tầng viễn thông gia tăng, cơ hội bứt phá cho Viettel Construction

Xu thế dùng chung hạ tầng viễn thông gia tăng, cơ hội bứt phá cho Viettel Construction

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tại Việt Nam, Tổng CTCP Công Trình Viettel - Viettel Construction (Mã CK: CTR) là doanh nghiệp số một trong lĩnh vực xây lắp và vận hành khai thác hạ tầng viễn thông.

Theo báo cáo KQKD năm 2019 được công bố, Viettel Construction đạt doanh thu gần 5.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 181 tỷ đồng, vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán.

Viettel Construction sở hữu lực lượng lao động dồi dào, phủ khắp 63 tỉnh thành phố lên tới 10.000 người. Đây là nhân tố trọng yếu giúp Viettel Construction phát triển các ngành nghề kinh doanh truyền thống như xây lắp, vận hành khai thác để mở rộng ra những lĩnh vực kinh doanh mới như Hạ tầng cho thuê (TowerCo), Giải pháp tích hợp.

Dùng chung hạ tầng viễn thông, tiềm năng tăng trưởng TowerCo trong dài hạn

Xu hướng chia sẻ hạ tầng viễn thông ngày càng phổ biến trên thế giới. Nhiều nhà mạng có xu hướng giảm bớt sở hữu các tài sản cố định thụ động như cột antenna, nhà trạm,…(bán đứt hoặc bán-thuê lại - “Sale-and Leaseback” cho TowerCo) để cải thiện điều kiện tài chính và tập trung vào hoạt động cốt lõi (core business).

Theo TowerExchange, các TowerCo trên thế giới sở hữu tới 84% trạm BTS trên thế giới với biên lợi nhuận EBITDA bình quân từ 50 - 70%, cao hơn từ 2 – 3 lần biên lợi nhuận EBITDA của các nhà mạng viễn thông (20 – 30%). Các TowerCo tại Mỹ như American Tower Co, SBA Communications, Crown Castle International Corp… đều được định giá khá cao với P/E hàng chục lần, thuộc nhóm ngành có định giá cao nhất thị trường.

Tại Việt Nam, thị trường TowerCo được đánh giá là giàu tiềm năng do mật độ thâm nhập của TowerCo thấp, chỉ 12% số trạm BTS tại Việt Nam do các TowerCo sở hữu đồng thời thị trường cũng phân mảnh, không có công ty nào chi phối thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) cũng đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy chia sẻ hạ tầng giữa các nhà mạng như Chỉ thị 52/CT-BTTT ngày 11/11/2019 về việc tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động; giàn xếp cho các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel ký thỏa thuận dùng chung lẫn nhau 1.200 trạm vào ngày 10/06/2020. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc dùng chung hạ tầng viễn thông sẽ giúp các nhà mạng giảm chi phí đầu tư, tăng vùng phủ sóng, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dùng.

Có thể nói, việc phát triển TowerCo hiện được đánh giá là xu thế tất yếu bởi các nhà mạng đang dần từ bỏ sở hữu các tài sản cố định để tập trung đầu tư vào các hoạt động cốt lõi. Về dài hạn, phát triển hạ tầng cho thuê là hướng đi phù hợp với nhu cầu phát triển hạ tầng viễn thông, 4G, 5G, IoT tại Việt Nam. Dù vậy, quá trình đầu tư sẽ mất khá nhiều thời gian và như theo lộ trình đến năm 2025, Viettel Construction sẽ trở thành TowerCo số 1 Việt Nam.

Giải pháp tích hợp, mũi nhọn chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2025

Một lĩnh vực kinh doanh mới trong những năm gần đây của Viettel Construction là giải pháp tích hợp, tập trung vào 2 mảng năng lượng và cơ điện. Các sản phẩm của Công ty gồm có Giải pháp năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo; Giải pháp cơ điện (điện tử, điện dân dụng ...); Giải pháp ICT (wifi, camera ...); Giải pháp thông minh (Smartcity,...).

Với lĩnh vực năng lượng, theo dự báo của Viện Năng lượng (Bộ Công thương), trong giai đoạn 2020 – 2025, tổng công suất điện mặt trời tăng trưởng bình quân 9,5%/năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành là 6,8%. Sự phát triển của điện mặt trời Việt Nam bắt nguồn từ dự báo thiếu hụt từ 1,5 – 5 tỷ kWh điện mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2023 và đồng thời Chính phủ quy hoạch giảm thiểu công suất các nguồn điện khác như thủy điện (do thiếu vị trí xây nhà máy), nhiệt điện (do thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào là than).

Nhờ sở hữu nguồn nhân lực đông trên địa bàn cả nước, có nền tảng kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, Viettel Construction xác định việc cung cấp giải pháp xây lắp và tích hợp điện mặt trời áp mái là mũi nhọn chiến lược trong giai đoạn 2021 – 2025, tập trung hướng đến đối tượng khách hàng nhà xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp, trang trại nông nghiệp, khách hàng cá nhân có mức tiêu thụ điện từ 1,2 triệu đồng/tháng trở lên.

Trong khi đó, thị trường cơ điện (M&E) hiện là ngành có nhiều triển vọng tại Việt Nam do tốc độ đô thị hóa cao, ngành BĐS, xây dựng tăng trưởng tốt. Trong một dự án công trình dân dụng lớn, phần M&E thường chiếm khoảng 30 - 50% tổng khối lượng.

Viettel Construction xác định đây là lĩnh vực phù hợp để tận dụng thế mạnh về nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp công trình xây dựng và hướng tới Cung cấp dịch vụ cơ điện cho các dự án mà Viettel Construction tham gia xây dựng của các chủ đầu tư như FLC, VinGroup, SunGroup, Flamingo, khách hàng cá nhân có nhu cầu.

Một cơ hội khác cho Viettel Construction là việc Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; phát triển đô thị thông minh, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Điều này tạo cơ hội cho công ty mở rộng kinh doanh các dịch vụ về các giải pháp năng lượng thông minh, cơ điện cho doanh nghiệp và hộ gia đình.

Viettel Construction đặt mục tiêu nằm trong top 5 nhà cung cấp các giải pháp năng lượng xanh, thông minh, top 10 các nhà cung cấp dịch vụ cơ điện hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.

Với những tiềm năng tăng trưởng mạnh từ Giải pháp tích hợp và TowerCo, Viettel Construction đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu toàn công ty đạt từ 10.000-11.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 300-500 tỷ đồng.

Tin bài liên quan