Xử phúc thẩm Tổng CTCP Sông Hồng: “mẹ con” hòa giải!

Xử phúc thẩm Tổng CTCP Sông Hồng: “mẹ con” hòa giải!

(ĐTCK) Trong quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm, Tổng CTCP Sông Hồng đã được giảm một phần nợ lãi đối với CTCP Đầu tư xây dựng Sông Hồng, theo phương án thỏa thuận giữa 2 bên.

Theo nội dung khởi kiện, ngày 15/12/2009, Tổng CTCP Sông Hồng (Bên A) ký hợp đồng thi công xây lắp số 43 với CTCP Đầu tư xây dựng Sông Hồng (Bên B). Bên A giao cho bên B thực hiện thi công một phần hạng mục, phần mái và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công trình Nhà thi đấu thể dục thể thao TP Đà Nẵng.

Các hạng mục chi tiết công việc được lập thành phụ lục hợp đồng kèm theo. Giá trị hợp đồng tạm tính là 47,5 tỷ đồng.

Tại Điều 4, qui định điều khoản thanh toán trong bản hợp đồng, sau khi nhận được tiền thanh toán theo giai đoạn hoặc theo phần của chủ đầu tư, Ban điều hành dự án Bên A sẽ thanh toán cho Bên B chậm nhất sau 7 ngày, theo tỷ lệ cung ứng và thanh toán của chủ đầu tư.

Sau khi công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, 2 bên chuẩn bị hồ sơ để quyết toán với chủ đầu tư. Giá trị thanh quyết toán cuối cùng được đưa ra sau khi đã trừ khoản chi phí trích nộp cho bên A, theo tỷ lệ 2,5% trên tổng giá trị quyết toán, theo Điều 8 của hợp đồng.

Ngay sau khi ký hợp đồng, bên B đã tiến hành thi công theo đúng thỏa thuận. Trong quá trình thi công, 2 bên điều chỉnh khối lượng công việc và giá trị thanh toán.

Trong 3 năm (2010 - 2013), 2 bên đã ký 6 phụ lục hợp đồng. Tổng giá trị hợp đồng được điều chỉnh là hơn 93 tỷ đồng. Đến ngày 11/4/2014, Bên B và Ban điều hành dự án Bên A xác nhận kinh phí quyết toán công trình. Giá trị bên thi công được đề nghị thanh toán là hơn 89,2 tỷ đồng.

Tổng CTCP Sông Hồng xác nhận đến thời điểm này còn nợ CTCP Đầu tư xây dựng Sông Hồng số tiền là hơn 18 tỷ đồng. Do nhiều lần đòi nợ bất thành, CTCP Đầu tư xây dựng Sông Hồng nộp đơn khởi kiện ra tòa đòi tiền nợ và lãi phát sinh.

Trong thời gian tòa thụ lý vụ án, ngày 12/9/2014, phía bị đơn thanh toán thêm 2 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư xây dựng Sông Hồng. Phía nguyên đơn cũng đồng ý trích nộp chi phí 3% theo yêu cầu của bị đơn. Trừ khoản trích nộp theo yêu cầu, Tổng CTCP Sông Hồng nhận nợ tổng số tiền 13,6 tỷ đồng.

Phía bị đơn giải thích, thời điểm 2 bên ký hợp đồng, Bên B là đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Hồng. Song đến nay, Bên B không còn là thành viên của Công ty, theo quy chế phân cấp, đề nghị điều chỉnh lại tỷ lệ chi phí cho Tổng công ty.

Với lý do đó, ngày 12/5/2015, Tổng giám đốc Tổng CTCP Sông Hồng đã ký duyệt thẩm định quyết toán phần việc Bên B, với chi phí trích nộp là 5,5%. Theo đó, tổng giá trị Bên B được thanh toán là hơn 86 tỷ đồng. Bên A đã thanh toán hơn 72 tỷ đồng; còn nợ hơn 13,6 tỷ đồng.

Đối với khoản tiền lãi, bị đơn không chấp nhận, bởi lẽ trong hợp đồng không có bất cứ điều khoản nào quy định.

Vào tháng 8/2015, Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đã đưa vụ tranh chấp kinh doanh thương mại này ra xét xử. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của CTCP Đầu tư xây dựng Sông Hồng, buộc Tổng CTCP Sông Hồng phải thanh toán khoản nợ hợp đồng là 16,2 tỷ đồng (gồm nợ gốc là hơn 13 tỷ đồng và tiền lãi hơn 2 tỷ đồng).

Do không đồng tình với bản án trên, Tổng CTCP Sông Hồng kháng cáo. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, 2 bên đã hòa giải và tìm được tiếng nói chung. Theo thỏa thuận, cả hai thống nhất xác nhận nợ gốc là hơn 13 tỷ đồng. Đối với khoản nợ lãi, so với án sơ thẩm, giảm chỉ còn xấp xỉ 1,5 tỷ đồng.

Thời gian trả nợ được ấn định vào 3 thời điểm. Đợt đầu tiên là ngày 31//12/2015, Tổng CTCP Sông Hồng phải trả 5 tỷ đồng, đợt thứ hai là vào tháng 3/2016, trả tiếp 5 tỷ đồng. Hạn cuối là 30/6/2016, thanh toát nốt khoản còn lại. Nếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ, CTCP Đầu tư xây dựng Sông Hồng sẽ yêu cầu cơ quan thi hành án theo pháp luật.

Ngày 14/12/2015, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án theo đúng thỏa thuận đã đạt được giữa 2 bên đương sự.