Xử phạt trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp đòi hỏi công bằng

Xử phạt trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp đòi hỏi công bằng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với dự thảo Nghị định xử phạt trên thị trường chứng khoán đang được nhà quản lý công khai lấy ý kiến, một số doanh nghiệp quan ngại khả năng thiếu công bằng giữa bên có quyền và bên bị giám sát, xử phạt.

Cần quy định trách nhiệm hai chiều

Xây dựng chế tài xử lý vi phạm trên TTCK, chắc chắn cơ quan hoạch định chính sách sẽ không lấy đá “ghè chân” mình.

Thế nhưng, trong bối cảnh Chính phủ luôn nhấn mạnh hệ thống cơ quan hành chính nhà nước phải làm việc ở vị trí phục vụ người dân và doanh nghiệp, các doanh nghiệp có quyền đòi hỏi sự cân bằng trong thiết kế các chế tài xử lý vi phạm.

Theo đó, trách nhiệm và chế tài phải ở cả hai đầu, bên nào không thực thi chuẩn mực bổn phận của mình đều đáng bị xử phạt.

Với cách tiếp cận đó, theo phản ánh từ một số doanh nghiệp, tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đang được hoàn thiện, có một số điểm cần xử lý lại.

Chẳng hạn, liên quan đến vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, dự thảo quy định chế tài xử phạt đối với hành vi: “Công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán giải tỏa hoặc sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán”...

Trong một diễn biến có liên quan, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán (cũng đang trong quá trình soạn thảo), quy định về giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán chỉ được thực hiện khi UBCK có thông báo bằng văn bản về xác nhận kết quả chào bán chứng khoán.

Phía doanh nghiệp phản ánh, nếu doanh nghiệp đã nộp báo cáo đầy đủ, nhưng UBCK chậm ra thông báo thì sao? Nếu điều này xảy ra sẽ gây khó cho doanh nghiệp khi không được giải tỏa số tiền thu được cho các kế hoạch đã định.

“Trường hợp sau thời hạn 3 ngày mà UBCK không ra văn bản đã nhận được đầy đủ tài liệu mặc dù doanh nghiệp đã nộp đủ theo luật định, thì doanh nghiệp sẽ phải chờ đến khi nào hoặc có được tự động giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán khi mà trên thực tế việc chậm ra thông báo của UBCK đã xảy ra. Trường hợp vì mục tiêu kinh doanh, sau 3 ngày doanh nghiệp tự động giải tỏa số tiền thu được thì sẽ phải chịu chế tài gì?”, đại diện một công ty chứng khoán thẳng thắn nêu vấn đề.

Ý kiến từ thị trường cho rằng, dự thảo Nghị định cần điều chỉnh theo hướng: sau thời hạn 3 ngày làm việc mà UBCK không ra văn bản thông báo đã nhận được đầy đủ tài liệu, hoặc yêu cầu bổ sung thêm tài liệu, thì doanh nghiệp được tự động giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán, mà không bị xử phạt.

Liên quan đến xử phạt đối với các vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam, trên cơ sở tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có một điểm chưa phù hợp là áp dụng phạt tiền từ 500 - 700 triệu đồng đối với một trong các hành vi: chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp, trừ trường hợp được pháp luật quy định... 

Khoảng cách từ 500 - 700 triệu đồng là khá rộng có thể sẽ trao nhiều quyền cho cán bộ thực thi trong quyết định mức phạt. Để tránh nguy cơ này, VCCI đề nghị ban soạn thảo thu hẹp khung xử phạt có thể từ 500 - 600 triệu đồng...

Những điểm cần sửa đổi

Liên quan đến vi phạm quy định về mua lại cổ phiếu, dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “đã báo cáo nhưng chưa có văn bản thông báo của UBCK về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo việc mua lại cổ phiếu”.

Trong khi đó, Luật Chứng khoán 2019 quy định, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu đầy đủ và hợp lệ, UBCK gửi văn bản thông báo cho công ty đại chúng về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu.

Trường hợp tài liệu chưa đầy đủ, hợp lệ, UBCK có văn bản gửi công ty đại chúng nêu rõ nội dung, yêu cầu sửa đổi, bổ sung”.

Theo quy định này, khi doanh nghiệp gửi báo cáo, sẽ có một khoảng thời gian để UBCK phản hồi về báo cáo, kể cả trong trường hợp báo cáo chưa đầy đủ, hợp lệ, doanh nghiệp cũng sẽ có một khoảng thời gian sửa đổi, bổ sung.

Thế nhưng, nếu phản hồi của UBCK chậm quá 7 ngày thì sao? Để quy định pháp lý thống nhất và hợp lý hơn, một số chuyên gia pháp lý đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định trên, hoặc sửa đổi theo hướng: “mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCK theo quy định pháp luật hoặc đã báo cáo nhưng bị UBCK từ chối theo quy định pháp luật”.

Các hành vi vi phạm có tính chất khác nhau cần phải được tách bạch để định khung hình phạt cho phù hợp.

Tuy nhiên, dự thảo có một số hành vi bị gộp lại để áp dụng chung một khung hình phạt. Ngược lại, có những hành vi cần phải gộp lại để áp dụng chung một khung hình phạt, thì quy định dự kiến lại tách ra.

Chẳng hạn, điểm c, khoản 2, Điều 10 dự thảo xử phạt hành vi “không thực hiện thông báo”, “thực hiện thông báo không đúng thời hạn” về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo quy định vào một khung xử phạt.

Quy định này chưa thuyết phục bởi tính chất vi phạm của hai hành vi này khác nhau. “Không thông báo” là hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ, còn “thông báo không đúng thời hạn” là có thực hiện nghĩa vụ nhưng chưa đúng về thời hạn.

Bởi vậy, ý kiến từ thị trường cho rằng, Ban soạn thảo cần tách thành hai hành vi riêng và ở hai khung xử phạt khác nhau, trong đó hành vi “thông báo không đúng thời hạn” ở mức phạt nhẹ hơn.

Điểm c, khoản 1, Điều 12, dự thảo Nghị định xử phạt hành vi “không làm thủ tục giảm vốn điều lệ sau khi thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình theo quy định pháp luật” từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Trong khi đó, điểm đ, khoản 2, Điều 12 xử phạt hành vi “mua lại cổ phiếu nhưng không làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong thời hạn pháp luật quy định” từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng…

Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi quy định tại điểm c, khoản 1 đã bao gồm cả hành vi quy định tại điểm đ, khoản 2. Bởi vậy, Ban soạn thảo cần bỏ quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 12 tại dự thảo.

Trống chế tài xử phạt người hành nghề tại nhiều công ty

Theo quy định tại khoản 2, Điều 98, Luật Chứng khoán năm 2019 thì người hành nghề chứng khoán không được thực hiện các hành vi: đồng thời làm việc cho từ 2 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trở lên…; mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi mình không làm việc, trừ trường hợp công ty chứng khoán nơi mình đang làm việc không có nghiệp vụ môi giới chứng khoán… Điểm này, trong dự thảo nghị định đang để trống chế tài xử phạt.

Tin bài liên quan