5 năm qua, các ngân hàng đã xử lý được hơn 600.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 40% là bán nợ cho VAMC

5 năm qua, các ngân hàng đã xử lý được hơn 600.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 40% là bán nợ cho VAMC

Xử lý nợ xấu, ngân hàng không phải là… công an

(ĐTCK) Tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, một trong những nội dung có sự tranh luận sôi nổi nhất là quy định tại Điều 7 về quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Băn khoăn trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng

Theo quy định tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện:

Thứ nhất, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự.

Thứ hai, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật.

Thứ ba, giao dịch bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật.

Thứ tư, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoàn thành nghĩa vụ thông báo cho bên bảo đảm theo quy định tại Điều này.

Trên thực tế, tài sản mà bên vay thường dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại các ngân hàng là đất, nhà ở. Do đó, nếu áp dụng quy định trên thì nhiều người sẽ không có nơi ở.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, trao quyền cho tổ chức tín dụng như trên là không phù hợp với Hiến pháp cũng như quy định của Bộ luật Dân sự.

“Trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng như dự thảo thì ngân hàng trở thành cơ quan công an, thi hành án sao? Như thế có ổn không? Bên vay không giao tài sản thì cơ quan nào sẽ cưỡng chế? Nếu quy định không khéo sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự”, ông Phong nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) lập luận, Điều 7 của dự thảo chỉ khả thi khi người thế chấp đồng ý cho ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo.

Trường hợp họ không đồng ý bàn giao tài sản cho dù trước đó đã thỏa thuận với ngân hàng thì việc tổ chức tín dụng đơn phương thu giữ tài sản bảo đảm là xâm phạm tài sản về nhà ở của công dân, trái với quy định của Hiến pháp. Ở đây, cần giải quyết bằng pháp luật dân sự.

Hiện có cả bộ máy cơ quan thi hành án dân sự, các đoàn thể để thực hiện các bản án dân sự, nhưng vẫn chưa đủ khả năng thu hồi tài sản. Thực tế, nhiều trường hợp cưỡng chế để thu hồi tài sản có lực lượng hùng hậu, thậm chí lực lượng chức năng còn phải mặc áo giáp, nhưng thu hồi tài sản còn khó. Bởi vậy, trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng là khó khả thi.

“Quy định như Điều 7 tại dự thảo là quá lỏng lẻo, đơn giản, thậm chí thiếu một quy trình quan trọng là kiểm đếm tài sản khi thu giữ. Nếu tài sản bị thu giữ có giá trị lớn hơn khoản nợ phải trả thì cơ sở nào để tính toán và xử lý?”, bà Dung đặt câu hỏi.

Không nên miễn thuế, phí

Một nội dung “nóng” khác thu hút nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận là quy định tại Điều 15 về thuế, phí.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không yêu cầu văn bản xác nhận bên bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

Nhà đầu tư được miễn các loại thuế, phí khi chuyển nhượng tài sản liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Người được thi hành án là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua bán nợ được miễn phí thi hành án dân sự khi thu hồi nợ xấu.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước khi xử lý nợ xấu. Từ nguyên tắc này, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đề nghị Quốc hội không cho phép miễn thuế, phí khi xử lý tài sản đảm bảo. Lý do là bởi tiền thu từ phí, thuế là ngân sách nhà nước, mà nếu miễn thuế, phí có nghĩa là sử dụng ngân sách nhà nước.

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lập luận, việc mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, do đó không nên tạo ra một đặc ân là miễn thuế, phí cho hoạt động này.

Liên quan đến chế độ báo cáo, theo bà Mai, dự thảo Nghị quyết quy định, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp đầu năm 2022 là chưa hợp lý, mà cần báo cáo hàng năm khi Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cần bổ sung vào dự thảo Nghị quyết chế độ thanh, kiểm tra, giám sát, để đảm bảo tính thực thi khi văn bản này được áp dụng.

“Nợ xấu luôn đồng hành với hoạt động của các ngân hàng nên việc dự thảo quy định Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/7/2017 là không hợp lý, bởi hết thời hạn này thì cơ chế nào để xử lý nợ xấu mới phát sinh? Cần có khuôn khổ pháp lý ổn định để xử lý nợ xấu hiệu quả thông qua sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng”, bà Mai đề xuất. 

Không ai muốn ốm để được uống sữa

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang)

Trong 5 năm qua, các ngân hàng đã xoay xở xử lý được hơn 600.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 40% là bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Trên thực tế, nhiều khoản nợ xấu có giá trị thấp hơn giá trị sổ sách nhưng hiện pháp luật chưa cho phép bán khoản nợ này theo cơ chế thị trường nên các ngân hàng chưa dám bán. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu.

Có ý kiến cho rằng nên áp dụng các cơ chế về xử lý nợ xấu tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đối với các khoản nợ xấu tính đến hết năm 2016, để tránh lợi dụng chuyển từ nợ không xấu thành nợ xấu để hưởng các chính sách hỗ trợ từ cơ chế mới. Tuy nhiên, khả năng lợi dụng là khó xảy ra, bởi các tổ chức tín dụng phân thành 5 nhóm nợ, trong đó nợ từ nhóm 2 trở lên là họ phải trích lập dự phòng rủi ro.

Điều này làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng, dẫn đến nguy cơ đẩy nợ xấu tăng và đối mặt với rủi ro bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Bởi vậy, không có động lực để các ngân hàng chuyển từ nợ không xấu thành xấu. Không ai muốn ốm để được uống sữa.

Con số nợ xấu đã thật chưa?

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai)

Tỷ lệ nợ xấu mà ngành ngân hàng báo cáo trước Quốc hội đã thực chất chưa, hay còn giấu giếm? Trong hơn 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng, có tổ chức tín dụng, cán bộ ngân hàng phải năn nỉ đòi nợ, nhất là các khoản nợ “khủng”, nhưng không xong. Nợ xấu vẫn là “cục máu đông” của nền kinh tế, trong khi nguồn vốn cung cấp chủ yếu cho doanh nghiệp là dựa vào ngân hàng, nên xử lý nợ xấu đang là yêu cầu cấp thiết. Việc này rất khó khăn, nhưng không thể kéo dài.

Để xử lý nợ xấu, cần có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra nợ xấu vì nguyên nhân chủ quan. Dự thảo Nghị quyết quy định, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Quy định này dễ phát sinh các băng nhóm “xã hội đen” mua nợ, gây nên những tác động tiêu cực khó lường, nên cần cân nhắc kỹ.

Rủi ro cho ngân hàng khi phải cho vay theo chỉ đạo

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Nợ xấu là vấn đề nóng được Quốc hội, cử tri và hệ thống ngân hàng quan tâm. Nợ xấu có nhiều nguyên nhân, nhưng có lý do từ ý thức sử dụng vốn vay của người dân còn nhiều hạn chế: dùng vốn không đúng mục đích, có trường hợp vay tiền mua xe sang. Rủi ro phát sinh nợ xấu còn có nguyên nhân từ việc ngân hàng phải cho vay theo chỉ đạo của các cấp quản lý, mà việc cho vay ngành mía đường hay nuôi tôm thời gian qua là một điển hình.

Thời gian qua, các cấp quản lý đã ban hành nhiều văn bản, triển khai nhiều giải pháp, nhưng kết quả xử lý nợ xấu chưa như mong đợi. Nợ xấu như “cục máu đông” mà nếu để lâu có thể dẫn đến “đột quỵ”. Cùng với việc Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cũng cần hoàn thiện các quy định pháp lý có liên quan để tạo sự đồng bộ, hiệu quả trong xử lý nợ xấu thời gian tới.

Tin bài liên quan