Luật sư Trần Minh Hải

Luật sư Trần Minh Hải

Xử lý nợ xấu, khó vì thuế

(ĐTCK) Ghi nhận từ thị trường cho thấy, các ngân hàng đang gặp nhiều vướng mắc về thuế trong việc xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất. ĐTCK đã trao đổi với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, người tham gia tư vấn xử lý nợ cho một số ngân hàng, xung quanh vấn đề này.

Các ngân hàng phản ánh, khi thanh lý tài sản bảo đảm của khách nợ là nhà đất, ngân hàng phải nộp nhiều khoản thuế, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của các đơn vị này. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Hầu hết trường hợp khách hàng hoặc bên thứ ba đồng ý giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng là để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ, do bản thân họ đã mất khả năng tài chính. Nếu thực hiện phương án này, được hiểu là một biện pháp xử lý nợ có tổn thất của ngân hàng, thì việc nộp thuế phát sinh sẽ không đặt ra.

Tuy nhiên, do thủ tục hành chính về nhà đất khiến cho ngân hàng không thể tiến hành phương thức này trọn vẹn, bởi để sang tên nhà đất cho ngân hàng, thì chỉ có thể là “tặng cho” hoặc “chuyển nhượng” mới được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận. Chính vì vậy, để có cơ sở khấu trừ nghĩa vụ nợ cho khách hàng, ngân hàng đành phải lập hợp đồng chuyển nhượng, mà đã là chuyển nhượng thì sẽ chịu nhiều khoản thuế. Trong khi đó, hầu hết khách hàng và bên có tài sản bảo đảm không có tiền chi trả cho những khoản thuế hoặc không muốn trả, ngân hàng muốn xử lý được nợ đành phải chấp nhận chi trả. Do đó, một trong những nút thắt khó gỡ cho việc xử lý nợ của ngân hàng là “nộp thuế”.

 

Cụ thể các khoản thuế ảnh hưởng đến chất lượng xử lý tài sản thế chấp của ngân hàng ở đây là gì, thưa ông?

Trước hết, đó là thuế giá trị gia tăng (GTGT) nếu như khách hàng hoặc bên có tài sản là doanh nghiệp. Có những vụ việc, ngân hàng nhận gán nợ khối tài sản bất động sản lên đến hàng trăm tỷ đồng và như vậy, riêng về thuế GTGT cũng đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Khách hàng không trả khoản thuế này, vậy là muốn xử lý được nợ, ngân hàng đành phải chi trả, điều này thực sự là tổn thất kép cho ngân hàng.

Thêm vào đó, thuế thu nhập là vấn đề tất yếu sẽ đặt ra với bên chuyển nhượng, dù là cá nhân hay doanh nghiệp và việc hoàn tất nộp khoản thuế này là một thủ tục bảo đảm quá trình sang tên sở hữu diễn ra cho ngân hàng. Mức thuế suất 2% trên tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng sẽ đặt ra đối với hầu hết trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất. Tuy nhiên, khi khách hàng không trả được nợ, phải chấp nhận phát mại tài sản thì không khó để thấy rằng, cơ bản là ngân hàng phải nộp thuế.

Đáng kể hơn, trong nhiều trường hợp, việc đầu tư, giao dịch bất động sản dự án diễn biến phức tạp và qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã phát sinh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 25% giá trị chênh lệch giữa giá mua trong quá khứ và giá mua của ngân hàng, dẫn đến khoản thuế thu nhập rất lớn với doanh nghiệp mà cuối cùng ngân hàng vẫn là người thực trả.

Ở đây, bản chất là ngân hàng bán nhà đất để thu hồi nợ, việc bán này không làm phát sinh thu nhập cho ngân hàng, mà chỉ là để lấy lại phần tài sản mà ngân hàng đã cho khách hàng vay trước đó. Nhưng với hiện trạng những thủ tục và quy định hiện tại, ngân hàng phải nộp nhiều khoản thuế khác nhau nếu muốn xử lý được tài sản bảo đảm.

 

Ngân hàng có cách nào tránh phải nộp khoản thuế cho một khoản thu nhập không tồn tại?

Thực ra, do việc nhận tài sản là để thay thế cho khoản nợ quá hạn nên khi làm thủ tục chuyển nhượng, ngân hàng có thể thỏa thuận với khách hàng để có giá mua bán thấp nhằm tránh phải nộp nhiều tiền thuế, bởi đây là việc xử lý nợ có tổn thất. Tuy nhiên, ngay cả khi hạ giá để có mức thuế thấp thì rắc rối vẫn phát sinh, bởi sau khi nhận tài sản thì ngân hàng vẫn phải tìm cách bán ra để thu hồi vốn. Do việc mua bán của ngân hàng là chính tắc, có giá bán, giá mua rõ ràng, nên nếu giá mua thấp mà sau này giá bán cao, thì thuế thu nhập doanh nghiệp (25%) phải nộp khi đó sẽ tăng vọt.

 

Theo ông, giải pháp nào để hỗ trợ khối ngân hàng thoát khỏi vướng mắc về thuế nêu trên, nhằm đẩy nhanh việc xử lý tài sản bảo đảm, qua đó thúc đẩy xử lý nợ xấu?

Cần xóa bỏ sự “lệch pha” giữa một bên là thủ tục xử lý tài sản theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm, một bên là thủ tục quản lý hành chính nhà nước lĩnh vực nào đó (nhà đất, tàu thuyền, ô tô…) để các cơ chế xử lý nợ theo Nghị định 163 có hiệu lực thực sự trên thực tế. Nghị định 163 được ban hành từ năm 2006, nhưng Thông tư liên tịch giữa các ngành ngân hàng, tư pháp… đến nay vẫn chưa ra đời. Cơ quan quản lý cần thúc đẩy nhanh tiến trình ban hành văn bản này, làm khung pháp lý để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ khối ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.