Nợ xấu và con số đẹp
Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban Ban nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC).
Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%; còn lại bằng các hình thức khác. Một số ngân hàng thương mại tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý.
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), hệ thống TCTD xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15/8/2017.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu, trong đó các TCTD sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý chiếm tỷ trọng 46,68%, thu nợ của khách hàng chiếm tỷ trọng 26,7%, bán nợ cho VAMC chiếm tỷ trọng 20,1%, còn lại bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác chiếm tỷ trọng 6,5%.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng đã chủ động trong việc xử lý nợ xấu nên bức tranh nợ xấu được cải thiện tích cực. Ông Trịnh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục về đích trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nợ xấu theo yêu cầu Nghị quyết 42 của Agribank đã về mức 2,78% năm 2018. Với gần 26.000 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019”.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết: “Thời gian qua, Sacombank tập trung thanh lý, bán tài sản theo quy định, ưu tiên thu hồi nợ gốc, về lãi thì tiếp tục theo dõi để xử lý. Chiến lược phát triển Sacombank năm 2019 là kiện toàn, ổn định và tăng tốc. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu để đem lại lợi ích cao nhất cho Ngân hàng, khách hàng, cổ đông và nhân viên”.
Thu hồi tài sản từ nợ xấu tăng
Kết quả xử lý nợ xấu từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 183.200 tỷ đồng, đạt trên 32% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Ngoài ra, ước tính đến thời điểm cuối tháng 12/2018, các TCTD đã sử dụng gần 84.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng, chiếm trên 45% tổng xử lý nợ xấu, chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ.
“Xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, ông Đào Minh Tú nói.
Liên quan đến kết quả mua bán, xử lý nợ xấu tại VAMC, ước tính đến cuối tháng 12/2018, VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt khoảng 30.000 tỷ đồng (gần 95% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao).
Theo đó, kết quả mua nợ lũy kế giai đoạn 2013 - 2018 đạt xấp xỉ 310.000 tỷ đồng theo giá mua. Mua nợ theo giá thị trường trong năm 2018 ước đạt gần 2.700 tỷ đồng (77% kế hoạch được giao), lũy kế giai đoạn 2013 - 2018 đạt xấp xỉ 5.830 tỷ đồng. Xử lý nợ xấu của VAMC dự kiến đạt 39.100 tỷ đồng dư nợ gốc (hơn 113% kế hoạch được giao).
Cụ thể, kết quả xử lý các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt đạt gần 36.000 tỷ đồng dư nợ gốc; kết quả xử lý các khoản nợ mua theo giá thị trường đạt 3.265 tỷ đồng dư nợ gốc.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận xét: “Tỷ lệ nợ xấu giảm hàng năm, kể từ đỉnh năm 2012. Phần lớn nợ xấu giảm là do việc chuyển nợ qua VAMC.
Quá trình này được hỗ trợ thông qua những cải cách mà Chính phủ thi hành, bao gồm những biện pháp tạo thuận lợi cho cả ngân hàng và VAMC để thu giữ tài sản thế chấp khi người đi vay phá sản, giúp gia tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu”.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Ông Đào Minh Tú chia sẻ, phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản nợ tại ngân hàng đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh nên việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm rất khó khăn.
Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết như thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và việc nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự…
“Xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ thấp do quá trình xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều vướng mắc về hồ sơ, yếu tố pháp lý”, ông Tú nhấn mạnh.
Để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước mở rộng hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; có các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể, chi tiết hơn một số nội dung của Nghị quyết 42 để các TCTD thực hiện. Đồng thời, có sự phối hợp đồng bộ, tích cực hơn giữa các bộ, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông, nhằm tạo sự đồng thuận, hỗ trợ cho các TCTD trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.
“Đối với các khách hàng có khoản nợ bán cho VAMC, trường hợp nếu có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ, VAMC xem xét cơ cấu lại nợ phù hợp, ngân hàng xem xét, thẩm định cho khách hàng tiếp tục vay vốn để duy trì sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn trả nợ cho ngân hàng thì đề nghị cho phép ngân hàng có thể được phân loại nợ nhóm 1 nhằm hỗ trợ khách hàng”, ông Thọ nói.