TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực

Xử lý nợ xấu, cần chạy đua với thời gian

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương thành lập VAMC và vừa làm vừa điều chỉnh, bởi không có mô hình mới nào vừa ra đời đã hoàn hảo.

Nhiều ý kiến cho rằng, con số nợ xấu phải được công khai, minh bạch thì việc xử lý nợ xấu mới có hiệu quả. Quan điểm của ông ra sao?

Chúng ta không thể đòi hỏi một số liệu chính xác về nợ xấu, bởi điều này còn phụ thuộc vào thời điểm báo cáo, mục tiêu của báo cáo và do tiêu chí phân loại nợ xấu chưa hoàn toàn thống nhất. Số liệu NHNN công bố cũng là một kênh thông tin quan trọng, tin cậy, bởi được tổng hợp từ báo cáo toàn ngành và có sự rà soát. Trên thế giới, việc không biết chính xác con số nợ xấu là chuyện bình thường. Thậm chí, khi nợ xấu xảy ra thì từ con số bắt đầu xử lý đến lúc xử lý thật có sự khác nhau rất lớn, thậm chí là tăng lên gấp đôi như ở Thái Lan hay Nhật Bản.

 

Cách tiếp cận vấn đề xử lý nợ xấu như hiện nay, theo ông đã ổn chưa?

Có một số điểm Việt Nam đã và đang tiến hành theo thông lệ khi nợ xấu trở thành vấn đề lớn đối với nền kinh tế. Ví dụ, công khai số liệu nợ xấu, xây dựng và công bố phương án xử lý nợ xấu, thắt chặt hơn quy định về phân loại nợ cùng với việc tiến hành tái cơ cấu DN Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công.

Ở Việt Nam , do khối DN Nhà nước và đầu tư công chiếm tỷ trọng rất lớn, nên đồng thời với việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu còn tái cơ cấu DN Nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Mục tiêu thì nhiều, nhưng nguồn lực lại có hạn, do vậy, nguồn vốn và phương án xử lý nợ xấu cũng phải hết sức cân nhắc để có phương án tối ưu.

 

Còn tiến độ xử lý nợ xấu thì sao, thưa ông?

Rõ ràng, từ năm ngoái đến nay, Chính phủ, NHNN cũng rất quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu như đánh giá nợ xấu, công khai thông tin về nợ xấu, xây dựng và công bố phương án xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường và sản xuất - kinh doanh. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tự xử lý nợ xấu, phân loại nợ hướng dần tới thông lệ quốc tế… Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu vẫn chậm.

Mô hình VAMC được đưa ra bàn thảo gần 1 năm nay, nhưng tới giờ vẫn chưa ra đời được. Nợ xấu đã giảm từ 8,8% xuống còn 6%, nhưng chủ yếu là do các NHTM trích lập dự phòng rủi ro để xử lý, bản thân DN chưa phục hồi mạnh mẽ, kinh doanh chưa khá hơn để trả nợ ngân hàng. Quá trình tái cơ cấu DN nhà nước và đầu tư công vẫn chậm, dẫn đến tiến độ xử lý nợ xấu cũng bị chậm theo. Tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được nhuần nhuyễn cũng là một tác nhân khiến việc xử lý nợ xấu chậm lại.

Theo ông, có cách nào để đẩy nhanh tiến độ?

Theo tôi, trước hết, cần phải thiết lập một lịch trình rất cụ thể cho việc xử lý nợ xấu theo từng tháng. Chính phủ cần khẩn trương thành lập VAMC. Bên cạnh đó, cần tạo lập thị trường mua bán nợ, bao gồm cả kỹ thuật chứng khoán hóa nợ xấu; cho phép thành lập các công ty định giá tài sản (nhằm thúc đẩy và minh bạch hóa tiến trình định giá tài sản, đặc biệt là tài sản đảm bảo. Cần có bàn tay chỉ đạo liên bộ một cách quyết liệt hơn; phối hợp giữa các bộ, ngành nhuần nhuyễn hơn và từ chính sách đi vào cuộc sống cần nhanh hơn.

 

Ông nghĩ gì về những ý kiến trái chiều với việc thành lập VAMC? Liệu VAMC có tạo được niềm tin trên thị trường?

Việc tồn tại những ý kiến trái chiều về VAMC là chuyện bình thường và Chính phủ phải chấp nhận điều đó. Bởi VAMC ra đời có liên quan đến ngân sách nhà nước và cũng là vấn đề mới, việc điều hành rất phức tạp. Nhật Bản cũng mất một năm rưỡi tranh cãi mới bắt tay vào xử lý nợ xấu; hay như Chính phủ Mỹ mỗi khi công bố một gói kích thích kinh tế hoặc mua tài sản xấu cũng phải tranh luận rất quyết liệt. Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường công tác truyền thông để có sự đồng thuận cao hơn trong công chúng, tránh những thông tin, ý kiến không chuẩn xác, gây méo mó dư luận. Đặc biệt, cũng nên triển khai VAMC ngay và vừa vận hành vừa điều chỉnh, bởi không có mô hình mới nào vừa ra đời đã hoàn hảo ngay.

Tuy nhiên, cũng cần tạo lập thị trường mua bán nợ; xử lý triệt để và cho phép mua bán dứt điểm nợ xấu của ngân hàng, thay vì chỉ là giãn tiến độ trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu như hiện nay… Có như vậy, ngân hàng và DN mới có được lợi ích khi tham gia quá trình xử lý nợ xấu. Do vậy, cơ chế ban hành VAMC cần khẩn trương và làm rõ hơn những điểm trên.