Một số kênh đầu tư như chứng khoán, địa ốc đang cạnh tranh hút dòng tiền tiết kiệm

Một số kênh đầu tư như chứng khoán, địa ốc đang cạnh tranh hút dòng tiền tiết kiệm

Xử lý nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu, lãi suất có thể giảm về 5%/năm

(ĐTCK) Lãi suất cho vay thấp là điều mà hầu hết doanh nghiệp mong muốn. Nếu vấn đề nợ xấu được giải quyết nhanh và thực chất, lãi suất cho vay có thể giảm xuống mức 5%/năm.

Rã dần “cục máu đông” nợ xấu

Có thể nói, quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Thị trường tài chính ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo; ngành ngân hàng đã tích cực, chủ động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ; lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các TCTD khi đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), bản thân các ngân hàng cũng tích cực xử lý nợ thông qua trích lập dự phòng rủi ro và đẩy mạnh phát mãi tài sản, đặc biệt kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 được ban hành, tạo điều kiện để các ngân hàng "gỡ nút thắt" xử lý tài sản đảm bảo, tăng cường thu hồi nợ.

 TS. Trần Du Lịch

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng tính đến cuối năm 2017 là 9,5%. Tuy con số này cao gấp 3 lần mức tối thiểu 3% theo quy định (Ngân hàng Nhà nước - NHNN báo cáo là nợ xấu nội bảng), nhưng đã giảm đáng kể so với con số 11,5% trước đó.

Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khó đòi bên ngoài giảm. Cùng với đó, chất lượng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện.

Dù vậy, nếu tính đầy đủ, bao gồm cả một số khoản nợ tiềm ẩn, nợ VAMC đã mua cùng với nợ xấu nội bảng tại ngân hàng, thì tổng mức nợ xấu còn lớn. Đến cuối năm 2017, VAMC đã mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.

NHNN đã đặt chỉ tiêu cụ thể với VAMC, năm 2018 phải xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, đồng thời phải hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng. Để hiện thực hóa yêu cầu này, VAMC đã ký hợp đồng với 5 TCTD để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng, với tổng giá trị mua nợ là hơn 3.142 tỷ đồng.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 42, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai hiệu quả Đề án 1058 và giám sát tiến độ, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các TCTD.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Đồng thời, các ngân hàng cũng được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đi đôi với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động..., để góp phần giảm thiểu nợ xấu trong hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh đầu ra cho các khoản nợ xấu VAMC đã thu về, việc thành lập thị trường mua bán nợ để thu hút các nhà đầu tư tham gia mua bán nợ là vô cùng cần thiết, từ đó giúp các ngân hàng đẩy nhanh hơn tiến độ xử lý nợ xấu, giảm dự phòng rủi ro.

Nếu lãi suất giảm về mức 5%/năm, nền kinh tế sẽ nhận được cú huých lớn 

Thực tế, các khoản nợ xấu ngân hàng đã bán cho VAMC đều được trích dự phòng 20% mỗi năm. Sau 5 năm, các khoản dự phòng đã đảm bảo được an toàn cho nợ xấu, không còn lo ngại rủi ro cho ngân hàng. Nhưng nếu chưa xử lý được triệt để thì các nhà băng khó hoàn nhập dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Vì vậy, trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 có 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành gân hàng, mà căn cơ chính là xử lý nợ xấu. Bởi thực tế, việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và hệ thống tài chính chưa đạt được mục tiêu đề ra, nên cần phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Lãi suất cho vay có thể giảm về 5%/năm

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng trên thực tế, việc xử lý nợ xấu vẫn chậm. Chính vì nguyên nhân này mà việc điều hành tín dụng chưa gắn được với tư duy ổn định lãi suất, nhất là với lãi suất cho vay trung - dài hạn. Lãi suất tín dụng trong giai đoạn từ 2012 đến nay dù có xu hướng giảm, song chưa tạo dựng được lòng tin trên thị trường về sự ổn định. Điều này khiến cho doanh nghiệp giảm động lực thực hiện hoạt động đầu tư trung hạn và dài hạn.

Lãi suất là chủ đề quan tâm của hầu hết doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí đầu vào vẫn cao như hiện tại, lãi suất cho vay sẽ khó giảm mạnh trong năm nay. Từ cuối năm 2017, lãi suất đã giảm nhẹ, phổ biến từ 7-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9,5-11%/năm đối với kỳ hạn dài. Trong  năm 2018, mục tiêu quan trọng là giữ mặt bằng lãi suất ổn định, không tăng, bởi sức ép lạm phát và lãi suất USD năm nay có xu hướng tăng hơn so với năm trước.

Hơn nữa, ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn, nên cần phải giữ chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra hợp lý. Nếu hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động. Việc này sẽ làm thay đổi nguồn huy động của ngân hàng, bởi nếu lãi suất huy động thấp thì người dân có thể chuyển kênh đầu tư khác có lãi suất cao hơn, thay vì gửi tiết kiệm.

Thực tế thị trường hiện nay cho thấy, xu hướng lãi suất tiết kiệm khó giảm, nhất là trước áp lực một số kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản...) đang tích cực trở lại. Bởi vậy, để hoạt động kinh doanh được ổn định, nhất là với những chủ thể dựa nhiều vào vốn vay, các doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại hoạt động tài chính để giảm tỷ lệ vay.

Nếu muốn lãi suất có thể giảm được, trước hết phải đẩy mạnh hơn nữa việc xử lý nợ xấu, từ đó khơi thông dòng tín dụng, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro… Khi hoạt động tín dụng của các ngân hàng trở nên tích hơn, thì mới có thể thu hẹp được chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.

Hiện tại, các ngân hàng đang phải tích cực huy động vốn, nhất là vốn trung - dài hạn để tái cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy định Thông tư 06/2017/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 60% xuống 50% vào đầu năm nay và tiếp tục giảm về 45% vào đầu năm 2019. Trong khi đó, thị trường bất động sản tiếp tục diễn biến tích cực, nhu cầu vốn mua nhà lớn là điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay, song nguồn vốn này chủ yếu là vốn dài hạn.

Vì thế, trong Dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng, bao gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiền tệ, ngân hàng; bổ sung và xây dựng khuôn khổ pháp luật về về cơ cấu lại các TCTD, xử lý các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các TCTD trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại, cũng như các vi phạm, rủi ro của TCTD.

Tiếp tục sử dụng cấp phép cho các TCTD như là công cụ hữu hiệu trong cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Thắt chặt các điều kiện thành lập, góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp của các TCTD; nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam.

Đồng thời, Dự thảo cũng sửa đổi đồng loạt các luật và quy định liên quan đến hoạt động ngân hàng để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường, qua đó xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt.

Một khi giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các TCTD, lãi suất cho vay (ngắn hạn) có thể giảm về mức 5%/năm.

Tin bài liên quan