Ông Hồ Đức Phớc: “KTNN đã có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh hạn chế, bất cập trong thực hiện hợp đồng BT, BOT; quản lý, hoạt động các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng.

Ông Hồ Đức Phớc: “KTNN đã có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh hạn chế, bất cập trong thực hiện hợp đồng BT, BOT; quản lý, hoạt động các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng.

Xử lý 60.035 tỷ đồng qua hoạt động kiểm toán nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, mặc dù đã cắt giảm 30% quy mô, số lượng, thời gian kiểm toán, nhưng năm 2020 (tính đến 4/1/2021), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 60.035 tỷ đồng.

Năm 2020, mặc dù đã cắt giảm 30% số cuộc kiểm toán, quy mô và thời gian thực hiện các cuộc kiểm toán do phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết, KTNN vẫn xử lý tài chính được 60.035 tỷ đồng.

Chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan công an

KTNN đã kết thúc 174 cuộc kiểm toán theo kế hoạch và kế hoạch điều chỉnh năm 2020, ngoài kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại các bộ ngành, địa phương, kiểm toán theo chủ đề, chuyên đề, quốc phòng, an ninh, cơ quan Đảng, còn thực hiện 40 cuộc kiểm toán lĩnh vực đầu tư dự án, công trình; 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng.

Theo Tổng KTNN, ông Hồ Đức Phớc, mặc dù đã cắt giảm 30% quy mô, số lượng, thời gian kiểm toán, nhưng năm 2020 (tính đến 4/1/2021), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 60.035 tỷ đồng, trong đó tăng thu 4.965 tỷ đồng, giảm chi 13.836 tỷ đồng, kiến nghị khác 41.234 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể và cá nhân. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng”, ông Phớc cho biết.

Cũng theo ông Phớc, năm 2020, KTNN đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan công an để điều tra, xử lý về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài (Giám đốc Công ty Dịch vụ kho vận PTL); hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty Nhôm Toàn Cầu; vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc (Đà Nẵng); hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty Cao su Bảo Long và Công ty Thương mại dịch vụ Thành Phước.

“Bên cạnh triển khai hoạt động kiểm toán, năm 2020, mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng chống dịch bệnh Covid-19, KTNN vẫn quyết liệt chỉ đạo thực hiện kiến nghị kiểm toán, vì thế, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện 59.332 tỷ đồng/80.791 tỷ đồng”, ông Phớc cho biết.

Kiến nghị tập trung kiểm toán doanh nghiệp

Năm 2021, KTNN sẽ thực hiện 181 cuộc kiểm toán, trong đó có 35 cuộc kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án; 17 tập đoàn, tổng công ty; 4 ngân hàng và 3 công ty cổ phần có vốn nhà nước dưới 50%.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là một trong những doanh nghiệp đã từng được “làm việc” với KTNN. Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC, thông qua kiểm toán, KTNN nước đã ghi nhận, đánh giá những kết quả SCIC đã đạt được trong công tác tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bán vốn nhà nước, sắp xếp doanh nghiệp, cổ phần hóa (CPH) thu cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần…

“KTNN đã chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc của SCIC trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu liên quan đến tiếp nhận, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bán vốn nhà nước, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và có những đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương xem xét, tháo gỡ, tạo điều kiện để SCIC hoạt động ổn định và phát triển”, ông Lai nhấn mạnh.

Ngoài kiểm toán theo kế hoạch, ông Lai mong muốn, KTNN tập trung kiểm toán các doanh nghiệp nằm trong kế hoạch CPH trong giai đoạn tới như Agribank, Vinafood 1, Mobifone, Vicem; công ty mẹ Vinacomin, VNPT, Vinachem…

“Bởi vai trò của KTNN trong quá trình CPH không chỉ gói gọn trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá, mà cần phải thực hiện trong cả quá trình, trước, trong và sau CPH. Hoạt động kiểm toán không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng tài sản, tăng giá trị vốn nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính, mà quan trọng hơn là việc đánh giá thực trạng hoạt động định giá doanh nghiệp phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật, tồn tại bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH, góp phần phòng chống tham nhũng; phát hiện, ngăn ngừa gian lận, vi phạm chính sách, chế độ về xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng làm thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước khi tiến hành CPH.

Kiểm toán để tạo sự tin tưởng của nhà đầu tư

Theo ông, Vũ Đức Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban ACCA (Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán công chứng Anh quốc), KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước, góp phần phát hiện và ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực làm thất thoát, lãng phí nguồn vốn nhà nước, gây chậm trễ quá trình CPH. Sau khi thực hiện kiểm toán, KTNN sẽ kiến nghị xử các sai phạm cản trở quá trình CPH hiệu quả, đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp giúp cho các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, khúc mắc để CPH thành công.

“Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán doanh nghiệp nhà nước do KTNN thực hiện sẽ góp phần tăng cường và tạo sự tin tưởng của nhà đầu tư, giúp đẩy nhanh quá trình CPH. Nhờ việc minh bạch thông tin sẽ giúp doanh nghiệp đang trong tiến trình CPH tiếp cận thị trường vốn hiệu quả, tăng sức hút với các nhà đầu tư tiềm năng”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội kiến nghị, KTNN nước cần quan tâm và có chương trình kiểm tra và đánh giá những doanh nghiệp sau CPH.

“Nhìn chung nhiều doanh nghiệp sau CPH vẫn không có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là những doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ. Cần có đánh giá việc kinh doanh thua lỗ kéo dài ở những doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; kiểm tra đánh giá việc thực hiện mô hình quản trị công ty, quản lý và điều hành công ty sau CPH”, ông Thanh đề xuất.

Tin bài liên quan