Tuy nhiên, dù giảm điểm, tổng cầu thường xuyên cao hơn tổng cung cho thấy lực mua ở vùng giá thấp khá tốt và hỗ trợ không cho VN-Index giảm sâu. Bên cạnh đó, thanh khoản được duy trì ở mức cao cho thấy tín hiệu thị trường vẫn tích cực. Trong phiên thứ Năm (29/10), VN-Index đã bật tăng trở lại vượt trên vùng 600 - 605 điểm nhờ kết quả kinh doanh tích cực của VNM và một số cổ phiếu lớn.
Đà tăng được duy trì trong phiên cuối tuần nhưng mức tăng đã giảm do thiếu thông tin hỗ trợ. Như vậy, VN-Index đã có 4 tuần tăng điểm liên tiếp nhưng mức tăng không mạnh, đạt khoảng 6 điểm chủ yếu do khối ngoại tiếp tục bán ròng các cổ phiếu lớn như VIC, MSN, KDC và một vài cổ phiếu khác. Giải ngân ròng của khối ngoại dương trong cả tuần nhưng mức dương nhỏ và dòng tiền hướng đến các mã có vốn hóa nhỏ và trung bình.
Tuần qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã công bố lợi nhuận rất tích cực như VNM công bố lợi nhuận 9 tháng với mức tăng tới 35%, BIDV tăng 35%, FPT có lợi nhuận tăng gần 10%, thậm chí với cả công ty dầu khí là PVS cũng duy trì được mức tăng lợi nhuận 7% bất chấp khó khăn của giá dầu. Các công ty nhỏ cũng công bố lợi nhuận khá khả quan. Các đơn vị bị dự đoán lỗ tỷ giá như HT1, PVT, VIP, VTO… nhưng không doanh nghiệp nào báo lỗ quý III dù chi phí tài chính tăng mạnh do hoạt động kinh doanh chính được cải thiện. Đây là thông tin tích cực và đã hỗ trợ đà tăng của thị trường.
Các doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh quý III, nhóm ngân hàng còn VCB, CTG, MBB, EIB và STB; nhóm dầu khí còn GAS và phần lớn doanh nghiệp trong nhóm bất động. Với nhóm ngân hàng, VCB, CTG và MBB dự kiến vẫn có kết quả kinh doanh khả quan trong khi tin xấu từ EIB và STB sẽ không tác động tiêu cực đến thị trường do thông tin xấu đã được dự đoán trước từ các công bố của Ngân hàng Nhà nước.
GAS là đơn vị kín tiếng nhất trong nhóm các công ty dầu khí về tình hình kinh doanh quý III và có thể không thuận lợi do tổng lợi nhuận của Tập đoàn PVN (công ty mẹ của GAS) giảm mạnh. Nhóm bất động sản và xây dựng dự kiến có kết quả kinh doanh tốt trong quý III, đặc biệt trong quý IV tới. Như vậy, kết quả kinh doanh dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của thị trường trong tuần này và tuần tới.
Về tình hình vĩ mô, lãi suất huy động của các ngân hàng nhỏ có xu hướng tăng nhẹ khoảng 0,2%/năm trong tuần qua gây lo ngại về việc lãi suất sẽ tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là động thái đơn lẻ của các ngân hàng nhỏ vốn yếu về thanh khoản và khả năng huy động trong khi nhu cầu cho vay cuối năm tăng cao.
Các ngân hàng lớn hơn không tham gia đợt tăng này do thanh khoản vẫn dồi dào trong khi “room” tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Tính trên toàn hệ thống, hệ số cho vay trên huy động được duy trì ở mức an toàn, cho thấy lãi suất sẽ không tăng mạnh. Dự kiến đợt sóng tăng lãi suất huy động này sẽ không lan rộng và sớm hạ nhiệt.
Nhìn chung, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực về xu hướng của thị trường trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.