Thương vụ Masan Consumer - VCF được thị trường dành cho sự chú ý đặc biệt

Thương vụ Masan Consumer - VCF được thị trường dành cho sự chú ý đặc biệt

Xu hướng kiếm tiền từ các thương vụ M&A

(ĐTCK-online) Từ lâu, các vụ thâu tóm được ví von như các mỏ vàng để tìm kiếm lợi nhuận. Khi một vụ sáp nhập bất ngờ được công bố, giá cổ phiếu thường có biến động mạnh. Đã thành quy luật, trên TTCK, ở đâu có bước nhảy lớn về giá thì ở đó có cơ hội kiếm lời.

Đợt chào mua công khai 50,11% cổ phần CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) từ Masan Consumer sắp kết thúc. Tuy nhiên, khi chuông đồng hồ đang đếm ngược thì giá cổ phiếu Masan Group (MSN) - công ty mẹ của Masan Consumer bất ngờ giảm mạnh, biến động ngược chiều với VCF. Theo tìm hiểu của ĐTCK, 6 - 12 tháng tới, TTCK Việt Nam sẽ chứng kiến ít nhất 2 - 3 vụ thâu tóm diễn ra ở lĩnh vực hàng tiêu dùng và bất động sản. Diễn biến thương vụ Masan Consumer - VCF có chỉ ra một xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ các vụ M&A thời gian tới?

 

M&A và diễn biến giá cổ phiếu

Từ lâu, các vụ thâu tóm được ví von như các mỏ vàng để tìm kiếm lợi nhuận. Khi một vụ sáp nhập bất ngờ được công bố, giá cổ phiếu thường có biến động mạnh. Đã thành quy luật, trên TTCK, ở đâu có bước nhảy lớn về giá thì ở đó có cơ hội kiếm lời.

Khi một công ty bất ngờ trở thành mục tiêu thâu tóm của một công ty khác, thì giá cổ phiếu của công ty mục tiêu đó thường tăng mạnh. Lý do khá dễ hiểu, bên mua thường phải trả một mức giá khá cao so với thị trường để thuyết phục các cổ đông hiện hữu của công ty mục tiêu bán ra cổ phiếu. Đồng thời, trên thị trường có vô số NĐT "ăn theo", thu hút vào “ bữa tiệc” này. Làn sóng đầu cơ này thậm chí có thể đẩy kỳ vọng giá cổ phiếu mục tiêu vượt xa so với tính toán từ người thâu tóm.

Ngược lại, cổ phiếu của bên mua thường giảm, bởi một số lý do chính sau. Thứ nhất, bên thôn tính phải bỏ ra một chi phí rất lớn cho việc mua lại. Việc này có thể khiến họ tạm thời mất cân đối về tài chính và xao lãng nguồn lực cho hoạt động kinh doanh lõi, dẫn đến kết quả kinh doanh suy giảm. Thứ hai, các vụ sáp nhập luôn tiềm ẩn bất trắc: khả năng xung đột giữa ban ban lãnh đạo cũ và mới, sự giảm năng suất tạm thời do khác biệt văn hóa công ty giai đoạn hậu sáp nhập… Vì các lý do này, thị trường luôn chiết khấu trước các rủi ro vào giá cổ phiếu. Thứ ba, các vụ sáp nhập thường mất 2 - 3 năm mới cho hiệu quả thực sự. Sau hồ hởi ban đầu, ở giai đoạn hậu sáp nhập, trật tự được thiết lập phù hợp với thực tế.

Cần phải nhấn mạnh rằng, đây chỉ là các biến động mang tính ngắn hạn và không phải đúng trong mọi thương vụ sáp nhập. Nhưng các khoản chênh lệch giá khổng lồ thường xuyên diễn ra ở các thị trường kém hiệu quả (giá cổ phiếu không phản án đúng mọi tin tức liên quan như TTCK Việt Nam ). Nắm bắt điều này, khi một vụ thâu tóm bất ngờ được công bố, các NĐT lão làng sẽ mua ngay cổ phiếu của công ty mục tiêu, đồng thời bán hoặc vay cổ phiếu của công ty đi thâu tóm để bán. Nếu mọi việc diễn ra theo dự kiến, NĐT sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

 

Nhìn lại thương vụ Masan Consumer - VCF

Thương vụ Masan Consumer - VCF được thị trường dành cho sự chú ý đặc biệt. Bên cạnh mức độ đại chúng hóa của hai thương hiệu, lý do còn xuất phát từ việc đây là trường hợp đầu tiên một DN niêm yết bị thôn tính đầy bất ngờ. Khi thông tin mới chỉ ở dạng tin đồn, giá cổ phiếu VCF đã tăng rất mạnh. Sau khi xuất hiện thông tin chính thức, quỹ đạo giá của VCF góp phần phản ánh một thực tế khác của TTCK Việt Nam : tin đồn chứ không phải tin chính thức vận hành thị trường!

Cổ phiếu Masan Consumer đang giao dịch trên thị trường OTC, hạn chế về thanh khoản nên đánh giá mức độ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của sự kiện nêu trên chỉ ở mức khiêm tốn. Nhưng với cơ cấu sở hữu của MSN tại Masan Consumer, có thể sử dụng cổ phiếu của công ty mẹ để thay thế. Ngay sau khi sự kiện chào mua công khai được công bố, MSN còn chịu tác động của một loạt nhân tố ngoại lai. Gần đây, khi thương vụ sắp đến hồi kết, giá cổ phiếu MSN đã giảm mạnh. Trật tự đang được thiết lập?

Trong vòng 1 năm qua, MSN và VCF là hai trong số rất ít cổ phiếu chiến thắng thị trường, với mức tăng mơ ước trên 100%! Cơ hội đã đóng lại, nhưng không nên nuối tiếc: chỉ có lãnh đạo cao nhất của bên thâu tóm và đơn vị tư vấn thông tỏ về thương vụ được hình thành ý tưởng cách đây hơn hai năm và chỉ thực sự đạt được các chuyển biến mang tính bước ngoặt vào đầu quý II/2011. Với VCF, quà tặng chỉ dành cho các NĐT đặc biệt may mắn. Ngay cả những người có lợi thế về tiếp cận thông tin như đội ngũ nhân viên tư vấn cũng không có cơ hội. Họ chỉ được tiếp cận thông tin hạn chế trong giới hạn phạm vi của một chuỗi công đoạn rất nhiều mắt xích.

 

Rủi ro từ các vụ M&A "ồn ào"

Dù mới xuất hiện, nhưng khá nhiều thương vụ M&A "ồn ào" đã xuất hiện trên TTCK Việt Nam . Sớm nhất có thể kể đến việc CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) định sáp nhập vào CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) cuối năm 2006. Khi tin đồn xuất hiện trên thị trường, các NĐT ăn theo khi đó đinh ninh tỷ lệ hoán đổi BMP/DNP sẽ là đổi ngang (1/1), nên đẩy giá cổ phiếu DNP tăng đến 4 chấm. Trong khi đó, giá trị sổ sách của DNP chỉ là 0,8 chấm, còn mức giá quy đổi được đề xuất từ đơn vị tư vấn cũng chỉ cao gấp đôi. Vì bảo mật thông tin không tốt nên thương vụ sớm thất bại.

Một trường hợp khác, CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) thôn tính thù nghịch CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) vào năm 2009. Sự kiện đã đẩy giá cổ phiếu công ty mục tiêu lên... tới trên 100.000 đồng/CP. Nhưng thương vụ thất bại và giá cổ phiếu DHT hiện nay chỉ còn 30%. Trong cả hai trường hợp, các NĐT truy sát cổ phiếu công ty mục tiêu gặp rủi ro nhất trong việc đánh cược vào một vụ thâu tóm: M&A thất bại!

Một trường hợp "ồn ào" khác là CTCP Xây dựng công nghiệp Descon (DCC) bị nhóm cổ đông Công ty Bình Thiên An (BTA) thâu tóm. Dù BTA áp đặt được sự kiểm soát lên DCC, nhưng ban lãnh đạo cũ áp dụng đủ mọi biện pháp tự vệ. Sự xáo trộn quá lớn khiến DCC sa lầy: kinh doanh đình đốn và thua lỗ, cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch. Sau một năm BTA tiếp quản DCC, chưa có bất cứ giá trị gia tăng nào tạo ra cho các chủ thể liên quan. Kiếm lợi nhuận từ các vụ thâu tóm không hề đơn giản. Lợi nhuận khổng lồ luôn đi kèm với các rủi ro cần tiên liệu: công ty mục tiêu tự vệ bằng mọi giá và mọi chuyện trở nên ngoài tầm kiểm soát của NĐT cá nhân. Sáp nhập và thâu tóm là địa hạt bất trắc, đánh cược trên sự biến động qua hoạt động M&A trở thành canh bạc mạo hiểm, mà phần thưởng chỉ dành cho các NĐT tiên liệu được sự thành công!

 

Vũng lầy M&A "theo kế hoạch"

TTCK Việt Nam đã xuất hiện một loạt hương vụ sáp nhập đình đám theo nghị quyết ĐHCĐ như: các cổ phiếu "họ" Kinh Đô, cổ phiếu KMR và KMF có nguồn gốc từ xứ sở Kim Chi, hai cổ phiếu xi măng thương hiệu Hà Tiên… Mặc dù nhiều cổ đông chờ dài cổ, nhưng vẫn chưa có một con sóng cổ phiếu nào diễn ra cả trước và sau khi sáp nhập. Có hai lý do giải thích hiện tượng này. Thứ nhất, về tỷ lệ hoán đổi, đa số thương vụ sáp nhập này đều xoay quanh mức hoán đổi ngang. Việc sáp nhập chỉ thành công khi thị giá cổ phiếu được giữ ổn định. Thứ hai, về nguyên lý trong đầu tư chứng khoán, lợi nhuận song hành với rủi ro. Các vụ M&A theo kế hoạch từ một chủ sở hữu hay nhóm cổ đông lớn thường mang sắc thái tái cơ cấu hơn là thôn tính, nên không phát sinh rủi ro. Không có rủi ro làm sao kỳ vọng gặt hái lợi nhuận lớn? Vì vậy, với các NĐT "ăn theo" lỡ sa chân vào cổ phiếu M&A "theo kế hoạch", dù không vướng phải một cạnh bạc đỏ đen, nhưng có thể đặt chân vào một vũng lầy.