Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy bị rút giấy phép hoạt động bán hàng kinh doanh đa cấp từ ngày 25/4

Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy bị rút giấy phép hoạt động bán hàng kinh doanh đa cấp từ ngày 25/4

Xử hình sự tội kinh doanh đa cấp trái phép: Ý kiến trái chiều

(ĐTCK) Các đại biểu Quốc hội đang có ý kiến trái chiều khi thảo luận một nội dung mới tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đó là Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. 

Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14, khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.

Trình bày trước Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật, thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn.

Nếu chúng ta quy định Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, thì sẽ dễ trốn tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội có khung hình phạt nặng hơn. Trong khi xử lý ở tội kinh doanh đa cấp trái phép nhẹ hơn rất nhiều

- Đại biểu Phạm Trí Thức
(Thanh Hóa)

“Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp…”, bà Nga nói.

Theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hoà Bình), hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường diễn ra ở hầu hết các tỉnh trong cả nước với những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý hám lợi của một số người dân.

Lợi dụng những kẽ hở của người dân, một số đối tượng đã biến tướng phương thức bán hàng này để trục lợi mà hành vi phổ biến là tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe...

“Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy tình hình hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép diễn biến phức tạp, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như vụ Công ty cổ phần Thương mại Cộng đồng Việt lừa đảo chiếm đoạt 108 tỷ đồng của 2.929 người dân, Công ty Liên kết Việt lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng của 45.000 người dân...”, bà Thủy dẫn chứng về những hậu quả nghiêm trọng của kinh doanh đa cấp trái phép.

Từ thực tiễn trên, bà Thủy cho rằng, dự thảo luật bổ sung quy định loại tội phạm vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi kinh doanh trái phép, bởi chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép mà không phải tất cả các hình thức kinh doanh trái phép như dự thảo luật là không bảo đảm sự công bằng trong chính sách hình sự.

Trường hợp kinh doanh đa cấp trái phép có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 điều chỉnh xử lý như Điều 174 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 175 tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bằng những chế tài khiêm khắc hơn rất nhiều.

Ông Thức phân tích thêm, nếu chúng ta quy định Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, thì sẽ dễ trốn tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội có khung hình phạt nặng hơn. Trong khi xử lý ở tội kinh doanh đa cấp trái phép nhẹ hơn rất nhiều.

Thời gian qua, loại tội này ngay từ đầu đã mang dấu hiệu lừa đảo, dùng các thủ đoạn gian dối như những trường hợp dù không phải sĩ quan quân đội cao cấp nhưng lại mặc trang phục sĩ quan quân đội cao cấp, đi xe biển xanh rồi về các địa phương trống giong cờ mở phối hợp với một số cán bộ cơ sở địa phương mở các cuộc gặp mặt, quảng cáo rất rầm rộ làm cho người dân tin tưởng.

“Chúng tôi đề nghị cân nhắc rất kỹ và phải tính toán lại khi quy định về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp…”, ông Thức đề xuất.

Việc bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp về xử lý hình sự tội kinh doanh đa cấp, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, là theo đề nghị của khá nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có cả Bộ Công an, Bộ Công thương và thực tế một loạt vụ lừa đảo mà nạn nhân lên đến hàng chục nghìn người như Thiên Ngọc Minh Uy, Liên kết Việt.

“Căn cứ vào các yêu cầu như thế, chúng tôi bổ sung Điều 217a. Ở đây có 2 dấu hiệu là không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và không đúng với nội dung đã đăng ký. Ý tưởng ở đây là làm sao để chúng ta vào cuộc sớm và có thể ngăn chặn được vi phạm…”, ông Long cho hay.

Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp trong Dự thảo Luật quy định:

1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử phạt vi hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Quy mô mạng lưới người tham gia từ 100 người trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tin bài liên quan