Tiền trong hệ thống ngân hàng đang dồi dào và có lãi suất lãi thấp. Ảnh: Dũng Minh

Tiền trong hệ thống ngân hàng đang dồi dào và có lãi suất lãi thấp. Ảnh: Dũng Minh

Xoay xở với hạn mức tín dụng thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) năm nay ở mức thấp, trong khi nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng cao, nhưng khả năng sẽ phải chờ đến quý III, thậm chí quý IV mới được “tính tiếp”.

Hạn mức giảm so với năm trước

Một lãnh đạo cao cấp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, sau khi được Ngân hàng Nhà nước phân bổ “room”, lãnh đạo nhiều nhà băng cũng như các doanh nghiệp nhắn tin, gọi điện phản ánh như “dội bom”.

“Tiền trong ngân hàng thì nhiều, lãi suất thấp và room tăng trưởng tín dụng chỉ là ban đầu, có thể thay đổi, nhưng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vẫn quan ngại với hạn mức thấp, vì kế hoạch sản xuất - kinh doanh đang xây dựng nhằm phục hồi sau đại dịch Covid-19 sẽ khó triển khai”, lãnh đạo VCCI nói.

Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán liên lạc với Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, nhưng ông không tiết lộ về hạn mức tín dụng được nhận mà cho biết, Ngân hàng đang làm việc thêm với cơ quan quản lý.

Đối với LienVietPostBank, Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn cho hay, room được phân bổ là 8,5%, thấp xa so với năm ngoái và tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng đã sử dụng khoảng 3%.

Tại MSB, theo Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh, tăng trưởng dư nợ cho vay của ngân hàng này đến hết quý I/2021 ước đạt 9,5%, Ngân hàng dự kiến cả năm sẽ tăng 25%, nhưng room được giao chỉ là hơn 10%.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn là một dấu hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tương tự, kế hoạch kinh doanh năm 2021 của VIB đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 31%, nhưng ngân hàng này chỉ được cấp hạn mức 8,5%.

Nhìn chung, hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu năm 2021 của các ngân hàng giảm từ 1 - 2,5 điểm phần trăm so với năm trước.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 19/3/2021, tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% so với cuối năm 2020. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát (quý I/2019 tăng 1,9%), song cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 0,68%).

Hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2021. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng tín dụng 12 - 14% nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát và tiêm phòng vắc-xin trên diện rộng. Kịch bản thứ hai, tăng trưởng tín dụng 10 - 12% nếu đại dịch kéo dài đến tháng 6/2021, các biện pháp giãn cách xã hội được duy trì và tiến độ tiêm chủng chậm hơn dự kiến. Kịch bản thứ ba, tăng trưởng tín dụng 7 - 8% nếu đại dịch kéo dài đến cuối năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Dựa trên bối cảnh vĩ mô hiện tại với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và việc tiêm chủng được triển khai, triển vọng tăng trưởng tín dụng vẫn nghiêng về kịch bản đầu tiên là tăng trưởng 12 - 14% cho năm 2021”.

Quý III mới “tính tiếp”

Về quyết định cấp room tăng trưởng tín dụng ở mức thấp của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, chủ tịch một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, có thể Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang quan ngại về câu chuyện lạm phát nên muốn cân bằng giữa mong muốn đạt được tăng trưởng tín dụng cao và nguy cơ suy giảm chất lượng tài sản, đặc biệt khi một số bất ổn kinh tế liên quan đến Covid-19 vẫn hiện hữu.

Đồng quan điểm, ông Tùng nói: “Ở góc độ cơ quản quản lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cái nhìn tổng thể của đơn vị làm chính sách vì lợi ích chung nên có những điểm cần cân nhắc”.

Theo ông Hiếu, với hạn mức tín dụng năm 2021 thấp, các ngân hàng bên cạnh việc cân đối lại danh mục đầu tư sẽ thận trọng hơn trong các hoạt động cho vay có nguy cơ rủi ro cao, đồng thời đốc thúc thu hồi nợ để mở room.

Trước đó, Ban giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong kết luận tham vấn Điều IV với Việt Nam khuyến nghị, “nên duy trì vị thế chính sách tiền tệ nới lỏng”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ trong năm 2021 nhằm tạo động lực phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định: “Do hạn mức tăng trưởng tín dụng không phải là thông lệ quốc tế trong điều hành chính sách tiền tệ, chúng tôi cho rằng nên thận trọng khi xem hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn là một dấu hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Những bất ổn liên quan đến đại dịch khiến Ngân hàng Nhà nước khó có được bức tranh rõ ràng về xu hướng sắp tới của hệ thống ngân hàng. Việc phân bổ hạn mức tín dụng thấp ban đầu với khả năng điều chỉnh sau này có thể là một công cụ phù hợp trong nỗ lực duy trì ổn định vĩ mô”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12%, nhưng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm rất thấp nên việc cấp room tín dụng ban đầu cho các ngân hàng trong tuần qua chưa có gì phải thảo luận. Nhanh nhất cũng phải 6 tháng nữa mới có thể biết tăng trưởng tín dụng thấp hay cao, thừa hay thiếu, nên hiện tại các ngân hàng cứ theo phân bổ mà “chạy” như mọi năm, đến quý III sẽ tính toán tiếp.

Bên cạnh chỉ tiêu đặt ra đầu năm mang tính định hướng, vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải theo dõi khả năng cho vay và hấp thụ của nền kinh tế. Doanh nghiệp có vay vốn được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương án kinh doanh, chất lượng khách hàng…, chứ không chỉ là room tín dụng của ngân hàng nhiều hay ít. Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo thanh khoản, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Căn cứ trên tính toán, trao đổi về tình hình thực tế, cơ quan quản lý có thể cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng và hoạt động này năm nào cũng vậy.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB nhìn nhận, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước có định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, song sẽ linh động, phụ thuộc vào diễn biến thị trường, tình hình dịch bệnh để điều chỉnh tăng hay giảm.

“Các ngân hàng chủ yếu đều được giao tăng trưởng ban đầu ở mức 8 - 11%, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá mức độ lành mạnh, sức khoẻ tài chính, tính minh bạch của từng ngân hàng để giao chỉ tiêu bổ sung”, ông Vỹ nói.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra quan ngại về room cho vay ở mức thấp, bởi khả năng sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn.

Về vấn đề này, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận: “Có không ít ngân hàng, chủ tịch có một mối khách hàng riêng, tổng giám đốc cũng tương tự, các lãnh đạo hội sở đến chi nhánh phía dưới cũng có những “mối ruột”. Nếu doanh nghiệp không nằm trong những mối khách hàng này sẽ khá khó khăn trong việc vay vốn, dù loại hình kinh doanh của doanh nghiệp đúng với mục tiêu khách hàng của ngân hàng. Vì đúng mục tiêu khách hàng mà ngân hàng hướng tới nên lãi suất thường rất tốt, nhưng món ngon không dành cho tất cả”.

Tin bài liên quan