Tập trung vào một số thị trường chính ở châu Á
“Thị trường bảo hiểm châu Á có rất nhiều cạnh tranh, nhưng trong tổng số 12 thị trường tại châu Á mà Prudential hoạt động, chúng tôi nằm trong vị trí Top 3 tại 8 thị trường.
Châu Á trở thành thị trường có những đóng góp lớn nhất vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn”, ông Nic Nicandrou, Tổng giám đốc điều hành Prudential châu Á chia sẻ với báo giới trong chuyến công du tới Việt Nam trung tuần tháng 11/2019.
Về những chiến lược ưu tiên trong lộ trình phát triển tại châu Á trong thời gian tới, ông Nic Nicandrou cho biết, Prudential sẽ đẩy mạnh mảng kinh doanh chính bằng việc củng cố những năng lực cốt lõi và đồng hành cùng khách hàng với việc cải tiến các kênh hiện có và đơn giản hóa bằng công nghệ;
Phát triển những giải pháp tối ưu để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng qua từng giai đoạn cuộc sống; đẩy mạnh nền tảng kỹ thuật số; mở rộng cơ hội hợp tác với những đối tác kinh doanh mới, ví dụ đối tác có nền tảng trực tuyến mạnh.
“Trung Quốc là thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai trên thế giới, chúng tôi đang tập trung vào việc tăng cường sự hiện diện tại thị trường được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu trong vòng 10 năm tới”, ông Nic Nicandrou nói.
Trong khi đó, tại buổi lễ ký kết hợp tác với Vietcombank ở Hà Nội, tỷ phú Richard Li, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Pacific Century, công ty mẹ của FWD cho biết, ông đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam và FWD đang có tham vọng xây dựng một mô hình liên kết bảo hiểm - ngân hàng dẫn đầu không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn khu vực châu Á.
Trước đó, FWD đã mua lại công ty bảo hiểm của Ngân hàng Siam (Thái Lan) và hợp tác với ngân hàng này, đồng thời trở thành đối tác chiến lược của một số ngân hàng lớn tại châu Á như Security Bank Corporation (Philippines), HSBC (Malaysia), Commonwealth of Australia (Indonesia), Industrial and Commercial Bank of China - ICBC (Hồng Kông).
“Hợp tác với Vietcombank là bước tiến phù hợp tiếp theo trong chiến lược của FWD là trở thành công ty có kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng hàng đầu tại châu Á và thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm”, ông Richard Li nhấn mạnh.
Tập đoàn Sun Life nhìn nhận, châu Á là trụ cột phát triển nhanh nhất trong hệ thống kinh doanh của Tập đoàn. Tại châu Á, hãng bảo hiểm này đã chào đón gần 16.000 tư vấn mới và 6,4 triệu khách hàng mới trong hai năm qua, với tốc độ tăng trưởng doanh số vượt trội trong ngành bảo hiểm.
Trong năm 2018, Sun Life đã đầu tư vào công ty bảo hiểm kỹ thuật số đầu tiên của Hồng Kông là Bowtie và công bố kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần trong liên doanh bảo hiểm ở Trung Quốc.
Châu Á vẫn được đánh giá là thị trường còn nhiều tiềm năng đối với các tập đoàn bảo hiểm lớn, bởi sự tăng trưởng cao về kinh tế dẫn đến gia tăng thu nhập cá nhân và gia tăng tài sản, trong khi tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm dưới mức bình quân.
Ðáng chú ý, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh.
Khoảng 5.000 tỷ USD được tạo ra hàng năm ở châu Á đồng nghĩa với việc vào năm 2030, 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ tập trung ở khu vực này.
Ngoài ra, số người trên 65 tuổi sẽ tăng gần gấp ba, lên khoảng 700 triệu người vào năm 2050.
Ðông Á và Ðông Nam Á là nơi cư trú của 37% dân số già thế giới hiện nay, dự kiến con số này sẽ duy trì vào năm 2050.
Một yếu tố khác là nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, một phần do tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim, ung thư và tiểu đường gia tăng.
… Và hướng tới các châu lục khác
Thị trường Mỹ có nhiều khách hàng mục tiêu, bởi trong vòng 20 năm tới, dự kiến sẽ có thêm 10.000 người nghỉ hưu mỗi ngày.
Các tập đoàn bảo hiểm nhận thấy, châu Phi là một trong những khu vực mà mức độ tham gia bảo hiểm nhân thọ rất thấp. Thị trường Mỹ có nhiều khách hàng mục tiêu, bởi trong vòng 20 năm tới, dự kiến sẽ có thêm 10.000 người nghỉ hưu mỗi ngày.
Thị trường châu Âu chưa phải đã bão hòa, cơ hội ở khu vực Trung Âu, Ðông Âu và các khu vực khác của châu lục này vẫn còn nhiều.
Chưa kể, châu Âu là một thị trường giàu có của một thế giới đang già đi, trong khi người già và người giàu chính là khách hàng tiềm năng của các hãng bảo hiểm.
Theo thông tin mới nhất, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Italia là Generali chuẩn bị thâu tóm doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tại châu Âu của một hãng bảo hiểm lớn nhất nhì nước Mỹ.
Generali đã hoàn thành quy trình kiểm tra soát xét và đề ra mục tiêu sẽ đệ trình hồ sơ thâu tóm hầu hết hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty này vào cuối năm nay.
Việc xem xét thâu tóm bất kỳ công ty bảo hiểm nào có thể giúp Generali tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường ở các nước châu Âu và bất kỳ công ty bảo hiểm nào sẽ mang lại cho hãng bảo hiểm này vị trí dẫn đầu trong một thị trường mới là chiến lược đã được Tập đoàn công bố cuối năm 2018.
Hãng bảo hiểm này đã tuyên bố đã dành riêng một ngân sách lên tới 4 tỷ euro (4,56 tỷ USD) cho các thương vụ mua bán - sáp nhập, một phần của chiến lược cạnh tranh mới nhằm phát triển nhanh hơn nhiều so với các đối thủ lớn của châu Âu.
Thay đổi chiến lược kinh doanh để tối đa hóa lợi nhuận cũng là chiến lược mới của Tập đoàn Aviva.
Trong thông cáo phát ra mới đây, hãng bảo hiểm của Vương quốc Anh đang tiến hành cải tổ một số đơn vị kinh doanh trong khuôn khổ chiến lược xoay chuyển Tập đoàn.
Không như những đồn đoán trước đó là bán lại mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Sigapore, Tập đoàn Aviva thông báo sẽ giữ lại liên doanh ở Trung Quốc, cũng như đơn vị kinh doanh tại thị trường lớn nhất của Tập đoàn ở châu Á là Singapore.
Ðây là những doanh nghiệp có lợi nhuận, mang lại sự tăng trưởng hấp dẫn và tạo ra dòng tiền tích cực.
Aviva cũng đồng ý bán cổ phần trong liên doanh tại Hồng Kông và đang thảo luận với các đối tác liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và liên doanh tại Indonesia.