Xóa bỏ tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", doanh nghiệp còn nấn ná

Xóa bỏ tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", doanh nghiệp còn nấn ná

(ĐTCK) Thời điểm thực thi Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty đại chúng đã cận kề, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn nấn ná việc kiêm nhiệm 2 vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc trong kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 - Nghị định 71/2017, kể từ tháng 8/2020, lãnh đạo công ty đại chúng không được kiêm nhiệm 2 chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc/Giám đốc.

Quy định này được đặt ra nhằm tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bởi Chủ tịch HĐQT là người lãnh đạo, điều hành HĐQT để đưa ra các định hướng, chiến lược phát triển công ty và giám sát Ban điều hành, trong khi Tổng giám đốc/Giám đốc là người thực thi chiến lược, điều hành hoạt động hàng ngày của công ty.

Việc kiêm nhiệm 2 chức danh này sẽ hạn chế vai trò giám sát độc lập, và/hoặc giảm hiệu lực HĐQT trong việc ngăn ngừa các xung đột lợi ích giữa Ban điều hành và cổ đông, Ban điều hành và các bên liên quan, cũng như giữa các nhóm cổ đông. Đây cũng là quy định phù hợp với thông lệ quốc tế về quản trị công ty.

Quy định minh bạch trong hoạt động quản trị công ty không phải được đưa ra mới đây, mà trước đó, Thông tư 121/2012 của Bộ Tài chính về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng cũng đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc/Giám đốc điều hành. Tuy nhiên, nếu được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua thì việc kiêm nhiệm vẫn được thực thi, cho nên việc Chủ tịch HĐQT kiêm giữ chức danh Tổng giám đốc/Giám đốc vẫn khá phổ biến.

Không dễ để xử lý việc kiêm nhiệm, bởi người lãnh đạo cao nhất vốn được xem là 
"linh hồn" của doanh nghiệp...   

Thực tế cho thấy, không dễ để tách bạch hoạt động của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, nhất là với những doanh nghiệp mà lãnh đạo cao nhất cũng chính là người sáng lập công ty, được xem là "linh hồn" của doanh nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên, một doanh nhân hiện đang kiêm nhiệm cả 2 chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc tại một doanh nghiệp cho biết, ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4 sắp tới của doanh nghiệp này sẽ trình cổ đông thông qua nội dung Chủ tịch HĐQT tiếp tục kiêm giữ chức danh Tổng giám đốc.

Theo vị này, cá nhân ông và doanh nghiệp đã biết tới các quy định trên, nhưng do thời hạn còn hơn 1 năm nên xin tiếp tục được kiêm nhiệm 2 vị trí này, đồng thời cũng là thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị. Là người sáng lập ra doanh nghiệp, vị chủ tịch này bày tỏ sự bối rối khi cho biết, hiện vẫn đang cân nhắc tìm nhân sự phù hợp để cùng ông điều hành, quản lý doanh nghiệp.

“Biết rằng quy định tách bạch hoạt động của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc là hợp lý và hiện vẫn chưa quyết định được bản thân sẽ ngồi ghế nào, nhưng dù thế nào thì cá nhân tôi vẫn phải là người kiểm soát được doanh nghiệp”, vị doanh nhân này thẳng thắn chia sẻ và "nửa đùa, nửa thật" rằng, nếu như có khung xử phạt cho việc kiêm nhiệm này ở mức có thể chấp nhận được, doanh nghiệp sẽ chấp nhận bị phạt trong giai đoạn đầu trong quá trình tái cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo.

Không chỉ doanh nghiệp trên, dù đã khá cận kề thời hạn Nghị định 71/2017 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp vẫn còn nấn ná chuyện thực thi. Tại ĐHCĐ thường niên 2019 tổ chức ngày 16/3/2019, cổ đông của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) đã thông qua tờ trình về việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc với tỷ lệ đồng thuận là 93,68% số cổ phần có quyền biểu quyết. Tương tự, nội dung này cũng được đưa ra cổ đông thông qua tại ĐHCĐ thường niên của CTCP Chứng khoán FPT (mã FTS) ngày 21/3 vừa qua.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, nội dung Chủ tịch HĐQT được kiêm nhiệm Tổng giám đốc sẽ tiếp tục được nhiều doanh nghiệp xin cổ đông thông qua trong các buổi họp ĐHCĐ thường niên sắp tới tại một loạt doanh nghiệp niêm yết như CTCP Thương mại và khai thác khoáng sản Dương Hiếu (mã DHM), CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS), CTCP Đại lý vận tải SAFI (mã SFI)…

Mặc dù việc tách bạch giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc hiện còn chưa phổ biến trong doanh nghiệp đại chúng, nhưng thống kê của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2018 cho thấy, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã có sự chuẩn bị cho việc đáp ứng yêu cầu tại Nghị định 71/2017. Trong số các doanh nghiệp được đánh giá, có 73% (356/485 công ty) đã có sự tách bạch hai chức danh này. Tỷ lệ này cao hơn ở nhóm doanh nghiệp lớn so với nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Tin bài liên quan