Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể hoàn thành vào năm 2021.

Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể hoàn thành vào năm 2021.

Xin trao “kiếm lệnh” tại 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) muốn được giao thêm thẩm quyền để hoàn thành mục tiêu khởi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi sang đầu tư công vào cuối quý III/2020.

Vì mục tiêu khởi công sớm

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ bắt đầu lấy ý kiến của thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Trong số những nội dung chính tại Dự thảo Nghị quyết mà thành viên Chính phủ sẽ cho ý kiến bằng văn bản có việc giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư được quy định tại khoản 3, Điều 43, Luật Đầu tư công quy định phê duyệt điều chỉnh 3 dự án thành phần vừa được Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công gồm Quốc lộ 45 - Mai Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng được xem xét giao thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo quy định, bao gồm việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu...

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đây là cơ chế cần thiết để có thể rút ngắn được trình tự, thời gian chuẩn bị đầu tư nhằm đảm bảo khởi công 3 dự án thành phần chuyển đổi vào tháng 9/2020.

Trước đó, trong Tờ trình số 6681/BGTVT - TTr gửi Chính phủ ngày 10/7, Bộ GTVT cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 117 của Quốc hội, bộ này đang thực hiện thủ tục điều chỉnh đầu tư 3 dự án thành phần nêu trên, trong đó, yêu cầu tiên quyết là khi điều chỉnh, không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; tổng mức đầu tư giảm so với đầu tư theo hình thức PPP đã được Bộ GTVT phê duyệt. Tuy nhiên, do mức vốn đầu tư công tại cả 3 dự án đề lớn hơn 10.000 tỷ đồng, dẫn đến việc các công trình này thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Theo quy định của pháp luật về đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia, thì đối với dự án mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án (Điều 40 - Luật Đầu tư công); đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên cơ sở thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Điều 82, 83 -  Luật Đấu thầu). Nếu coi 3 dự án thành phần chuyển đổi là dự án mới, thì quá trình hoàn thiện thủ tục gần như phải thực hiện lại từ đầu, dẫn đến việc chỉ có thể khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 12/2020.

Đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia: Cấp quyết định đầu tư dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình (khoản 3, Điều 43 - Luật Đầu tư công); trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án được thực hiện như đối với dự án hoặc nhóm dự án trước khi điều chỉnh (khoản 7, Điều 1 - Nghị định số 02/2020/NĐ - CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ - CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia). Nếu xếp 3 dự án thành phần chuyển đổi vào nhóm các dự án đang trong quá trình thực hiện, thì với việc kế thừa nhiều công việc đã hoàn thành trước đó, mục tiêu khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 9/2020 là khả thi.

Cơ chế đặc biệt

Dẫn chiếu quy định tại Điều 26, Thông tư 09/2019/TT - BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho rằng, dự án đầu tư xây dựng đã triển khai là “dự án đã có quyết định đầu tư và đã triển khai các công việc sau khi dự án được phê duyệt như đã thực hiện khảo sát phục vụ thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở; đã lựa chọn nhà thầu thực hiện thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở”. Do vậy, với thực tế công việc đã thực hiện, Bộ GTVT khẳng định, 3 dự án thành phần chuyển đổi có thể coi là các dự án đang trong quá trình thực hiện đầu tư.

Nếu ứng xử như dự án mới, thì toàn bộ khối lượng công việc đã triển khai thực hiện theo dự án đầu tư đã được Bộ GTVT phê duyệt như: thiết kế kỹ thuật, dự toán đã được duyệt; kết quả giải phóng mặt bằng đã được các địa phương thực hiện, công tác rà phá bom mìn vật nổ và các hợp đồng đã ký với các nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán… cần phải được xử lý và làm lại thủ tục sau khi dự án đầu tư mới được duyệt theo quy định.

Bên cạnh đó, việc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT tổ chức thẩm định, quyết định phê duyệt dự án, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thực hiện các thẩm quyền khác của người quyết định đầu tư cũng tồn tại một số vướng mắc cần được các thành viên Chính phủ đồng thuận.

Cụ thể, theo quy định tại điểm g khoản 2, Điều 28, khoản 4 và khoản 5, Điều 33 Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng thực hiện công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được phân công hoặc ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu không có quy định về việc ủy quyền phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và ủy quyền thẩm định đối với dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 40 - Luật Đầu tư công 2019, trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia không được áp dụng theo Luật Xây dựng nên không được ủy quyền phê duyệt dự án đầu tư theo Điều 72, Luật Xây dựng.

Mặc dù vậy, để đảm bảo tiến độ triển khai 3 dự án thành phần chuyển đổi, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quyết nghị việc Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư theo khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công và khoản 7, Điều 1, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư trong giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng theo quy định.

“Đây là cơ chế cần thiết để sớm khởi động 3 dự án thành phần trên hiện trường, qua đó giải ngân lượng vốn đầu tư công lớn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Với thực tế công việc đã thực hiện, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, 3 dự án thành phần chuyển đổi có thể coi là các dự án đang trong quá trình thực hiện đầu tư.

Tin bài liên quan