Tập đoàn Xiaomi vừa chính thức công bố việc lần đầu tiên nằm trong danh sách Global 500 của Fortune trong năm 2019, chỉ 9 năm sau khi thành lập.
Công ty công nghệ hàng đầu toàn cầu có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) là công ty trẻ nhất trong danh sách năm nay của Global 500, đứng thứ 468, với doanh thu 26.443,5 triệu USD và lợi nhuận ròng là 2.049,1 triệu USD trong năm tài chính vừa qua. Xiaomi cũng đứng thứ 7 trong lĩnh vực dịch vụ Internet và bán lẻ.
Ông Lei Jun, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội động Quản trị và CEO của Xiaomi chia sẻ rằng, chỉ mất mất 9 năm để Xiaomi điền tên mình vào danh sách Global 500 của Fortune.
“Chúng tôi cũng là công ty trẻ nhất trong danh sách năm nay, một kỷ lục đáng tự hào mà chúng tôi sẽ giữ mãi trong tâm trí và sẽ đưa nó lên một tầm cao mới trong chuyến hành trình mở rộng khắp toàn cầu”, ông Lei Jun nói.
Cũng theo ông Lei Jun, thì trong năm vừa qua, Xiaomi đã có những bước cải tiến và điều chỉnh quan trọng trong chiếc lược cốt lõi, cơ cấu quản lý, hệ thống nghiên cứu và phát triển công nghệ, các dòng sản phẩm, phát triển thương hiệu và còn nhiều nữa. Những động thái này đã giúp Xiaomi tiếp tục tỏa sáng, dù phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở trong nước và quốc tế.
Là một công ty Internet với điện thoại thông minh và phần cứng thông minh dựa trên cốt lõi là mạng Internet kết nối vạn vật (IoT), thành lập hồi tháng 4/2010, Xiaomi cũng lần đầu tiên được xướng tên trong danh sách China 500 của Fortune hồi tháng 6, xếp hạng 53.
Như vậy là chỉ sau 9 năm, Xiaomi đã có bước phát triển vượt bậc. Từ mức 10 tỷ nhân dân tệ (~1.453,72 triệu USD) doanh thu bán hàng trong năm 2012, Xiaomi đã đưa con số này thành 100 tỷ nhân dân tệ (~14.537,21 triệu USD) trong năm 2017.
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế IDC, hồi tháng 3/2019, Xiaomi đã trở thành thương hiệu smartphone đứng thứ 4 thế giới về số lượng máy xuất xưởng, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cũng đã ươm mầm và đầu tư vào hơn 200 công ty trong hệ sinh thái, trong đó nhiều công ty chuyên phát triển phần cứng thông minh, từ đó tạo thành nền tảng IoT đông người dùng nhất thế giới với xấp xỉ 171 triệu thiết bị IoT kết nối, trừ smartphone và laptop, tính đến cuối tháng 3/2019.
Xiaomi đang hiện diện tại hơn 80 thị trường trên toàn thế giới. Theo như tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế Canalys, vào tháng 3/2019, Xiaomi xếp trong top 5 tại hơn 40 thị trường về số lượng máy xuất xưởng, và là thương hiệu smartphone lớn nhất tại Ấn Độ trong vòng 7 quý liên tiếp, với thị phần 31,4%.
Xiaomi cũng tiếp tục trung thành với việc xây dựng và mở rộng mạng lưới bán lẻ mới mang lại hiệu quả cao, bằng việc kết hợp những kênh online và offline ở các thị trường quốc tế.
Vào thời điểm 31/3/2019, Xiaomi đã mở 480 cửa hàng Mi Home ủy quyền trên toàn thế giới, tăng 93,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với 110 cửa hàng ở châu Âu và 79 cửa hàng ở Ấn Độ.
Hiện tại và trong vòng 5 năm tới, Xiaomi đang và sẽ đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ vào phát triển “Tất cả cho AIoT”, như một phần của chiến lược lõi kép “Smartphone + AIoT”.
Chiến lược này mở ra viễn cảnh tận dụng những cơ hội phát triển của trí thông tin minh nhân tạo (AI) và vạn vật kết nối (IoT) trong tương lai, từ đó tạo ra một nền tảng vững chắc cho Xiaomi phát triển trong vòng 5 đến 10 năm tới.