Bị cáo Giang tại tòa.

Bị cáo Giang tại tòa.

Xét xử vụ cựu Giám đốc Chứng khoán Đông DAS - Chi nhánh Hà Nội thao túng cổ phiếu CDO

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 20/8, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử đối với Nguyễn Vân Giang (SN 1981, ở quận Ba Đình, Hà Nội, cựu Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á - DAS chi nhánh Hà Nội) về tội Thao túng giá chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, tháng 1/2017, trên một số trang mạng internet có nhiều bài viết phản ánh cổ phiếu của CTCP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (mã CDO) có dấu hiệu bị thao túng giá. Liên tiếp từ ngày 6/12/2016 đến ngày 10/1/2017, mã CDO bị giảm sàn liên tục 26 phiên giao dịch, mất thanh khoản, từ mức giá 32.550 đồng/cp xuống 5.870 đồng/cp (giảm gần 6 lần).

Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm rõ vụ việc.

Quá trình điều tra xác định, cuối năm 2014, bà Lê Kim Thu (mẹ của ông Vũ Đình Nhân – Giám đốc Công ty CDO) nhờ Giang đưa cổ phiếu CDO lên sàn. Giang đã nhờ một nhân viên tư vấn CTCP Chứng khoán Apec đứng tên hợp đồng quản lý chứng khoán của bà Thu.

Hợp đồng thể hiện, Giang được hưởng 2 triệu cổ phiếu. Giang bán ra ngoài thị trường 3 triệu cổ phiếu và chuyển tiền cho bà Thu trong giai đoạn trước khi lên sàn.

15 triệu cổ phiếu còn lại bà Thu ủy thác cho Giang quản lý để lưu ký, mở tài khoản giao dịch, được phép sử dụng các sản phẩm tài chính của các công ty chứng khoán, các khoản tiền có trong tài khoản để “tối ưu hóa hiệu quả quản lý”. Giang sẽ được hưởng 15% lợi nhuận sau khi trừ chi phí.

Bà Thu đã tin tưởng và giao cho Giang toàn bộ sổ cổ đông để thực hiện. Giang đã giới thiệu để Công ty Chứng khoán Apec thực hiện tư vấn đưa cổ phiếu CDO niêm yết trên sàn HOSE.

Thao túng giá cổ phiếu

Ngày 26/2/2015, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã chấp thuận cho niêm yết 15 triệu cổ phiếu CDO. Giang chỉ đạo một số nhân viên trực tiếp hoặc qua các môi giới khác mở 70 tài khoản tại 24 công ty chứng khoán. Giang nhờ tên của 40 cá nhân là người nhà, khách hàng, nhân viên, người quen đứng tên tài khoản.

Bị cáo trực tiếp sử dụng, quản lý các tài khoản này để xin cấp margin, bảo lãnh chậm nộp tiền hoặc vay các cá nhân khác để có nguồn tiền mua đi, bán lại mã cổ phiếu CDO nhằm tạo thanh khoản, đẩy giá cổ phiếu CDO.

Hàng ngày Giang tự đặt lệnh hoặc nhờ nhân viên môi giới đặt lệnh. Mỗi ngày, bị cáo duy trì khối lượng khớp lệnh khoảng 1,2 triệu cổ phiếu CDO.

Với cách thức trên, trong 4 phiên giao dịch đầu tiên, bị cáo đã đẩy trần cổ phiếu tăng giá liên tục từ 15.000 đồng/CP lên 21.900 đồng/CP. Cổ phiếu CDO tiếp tục xu hướng tăng giá trong 2 năm (2015, 2016), có lúc đạt đỉnh 39.600 đồng/CP.

Tuy nhiên, từ ngày 6/12/2016, cổ phiếu CDO bị bán tháo ở giá sàn liên tục trong hơn 30 phiên và đóng cửa phiên ngày 23/1/2017 ở mức 3.090 đồng/cp.

Để thực hiện giao dịch, bị cáo nhờ các nhân viên môi giới nộp, rút tiền tại các công ty chứng khoán.  

Nhà đầu tư mất trắng

Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội đã nhận được đơn trình báo của 10 nhà đầu tư tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Tây Ninh đã đầu tư vào cổ phiếu CDO và bị thiệt hại 1,5 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ tài liệu liên quan đến 70 tài khoản do bị cáo Giang sử dụng gồm hồ sơ mở tài khoản, lịch sử lệnh giao dịch…. Qua xác minh 40 cá nhân đứng tên các tài khoản trên thì có 35 người không mở và sử dụng tài khoản, 5 người được triệu tập nhiều lần nhưng không lên làm việc.

Kết quả thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xác định, có 54 tài khoản mở tại 18 công ty chứng khoán có mối liên hệ với nhau, liên tục mua bán cổ phiếu CDO với khối lượng lớn nhằm tạo thanh khoản, có dấu hiệu thao túng giá.

Có tổng cộng 562 tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường đã mua và bị thua lỗ hơn 9,7 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã ủy thác và xác định có 330 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu CDO trong giai đoạn bị thao túng. Có 56 người không có mặt tại địa phương, 64 người không xác định được, 9 người được triệu tập nhưng không lên làm việc.

Công an đã ghi lời khai của 199 nhà đầu tư thì có 23 người yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 388,4 triệu đồng.

Như vậy có tổng cộng 33 nhà đầu tư bị thiệt hại số tiền 1,49 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng làm việc với 24 công ty chứng khoán nhưng chỉ có CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) thể hiện có 2 tài khoản nợ tiền margin 7,5 tỷ đồng. Agriseco đã trích lập dự phòng và không yêu cầu bồi thường.

Ngoài ra, cáo trạng thể hiện, bị cáo còn lợi dụng vị trí giám đốc để chiếm đoạt của 3 cá nhân khác thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác, hỗ trự đầu tư chứng khoán không có thật để chiếm đoạt 24,3 tỷ đồng.

Tin bài liên quan