Lực cầu dội vào đã đẩy cổ phiếu HAG tăng khá mạnh vượt 12.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó với áp lực bán lớn, HAG đã lùi về đóng cửa ở 11.650 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt hơn 38 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu HAG gây chú ý trong bối cảnh từ cuối tuần trước đến nay, nhiều cổ đông của doanh nghiệp gửi đơn lên các cơ quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và cả các cơ quan truyền thông để đề nghị có thông tin rõ ràng hơn về trường hợp “đi hay ở” của cổ phiếu HAG trên HOSE.
Trong một email gửi về Báo Đầu tư Chứng khoán, cổ đông Nguyễn Tuấn Dũng viết “Căn cứ vào đâu để kết luận HAGL lỗ 3 năm 2017, 2018, 2019. Việc hồi tố diễn ra vào năm 2020, theo quy định 3 năm trước muốn xác định lỗ phải phát hành lại báo cáo tài chính và phải có kiểm toán, trong khi trong giải trình ngày 25/11/2021, HAGL xác nhận là không phát hành lại báo cáo tài chính các năm 2017, 2018, 2019. Muốn kiểm toán lại 3 năm 2017, 2018, 2019 phải được Đại hội đồng cổ đông HAGL thông qua (chưa có nghị quyết về vấn đề này).
Vậy trường hợp này có đủ căn cứ pháp lý để được coi là lỗ ba năm liên tục 2017, 2018 và 2019 không?
Nhà đầu tư này cũng đặt câu hỏi, sự việc xảy ra từ tháng 4/2021 khi HAGL phát hành báo cáo kiểm toán 2020, tại sao các cơ quan quản lý không xử lý luôn mà đến giờ mới lật lại”.
Trên thị trường, hiện có nhiều luồng quan điểm về trường hợp này. Một số luật sư cho rằng, không đủ căn cứ pháp lý để hủy niêm yết HAG, đồng thời để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HAG gần đây với niềm tin rằng doanh nghiệp đang có chuyển biến tốt.
Trong khi lãnh đạo một số quỹ đầu tư lại nhìn nhận, luật đưa ra không phải để bảo vệ cổ đông hiện tại mà đề bảo vệ các nhà đầu tư tương lai. Nghĩa là khi hủy niêm yết bắt buộc một cổ phiếu nào đó, các nhà đầu tư được cảnh báo để không mua cổ phiếu chất lượng xấu. Bản thân chất lượng HAG thể hiện ở việc phải hồi tố báo cáo tài chính với kết quả lỗ, thì phải hủy niêm yết theo quy định để bảo vệ các nhà đầu tư khác. Nếu HAGL hoạt động tốt, có lãi trở lại, đủ điều kiện thì sẽ sớm trở lại HOSE.
“Trường hợp này được ở lại HOSE thì các công ty niêm yết khác có thể “tái diễn”. Tức là khi nào họ lỗ 3 năm thì giấu lỗ và sau lại hồi tố để ở lại sàn”, lãnh đạo một tổ chức đầu tư nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo một nguồn tin khác của Báo Đầu tư Chứng khoán, sự việc của HAG là chưa có tiền lệ trong khi các quy định của pháp luật còn thiếu những quy định chi tiết và rõ ràng nên rất khó để cơ quan quản lý ra quyết định.
Cụ thể, Điều 120 Nghị định 155 quy định Hủy bỏ niêm yết trong trường hợp “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
Trong khi đó, quy chế niêm yết của HOSE ở chương V, có nêu cụ thể: (1.5.) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba (03) năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Đối với tổ chức niêm yết có các đơn vị trực thuộc, điều kiện “lỗ lũy kế” được xác định trên báo cáo tài chính tổng hợp. Đối với tổ chức niêm yết có công ty con, điều kiện “lỗ lũy kế” căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất, điều kiện “kết quả sản xuất kinh doanh” căn cứ vào lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đối mặt với án huỷ niêm yết: Giữ kỷ cương, pháp luật chứng khoán
Trên thực tế, mặc dù áp dụng hồi tố nhưng năm 2019 , lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo hợp nhất của HAG tuy giảm đi nhưng vẫn là con số dương.
Khi xem xét đưa ra các quyết định với doanh nghiệp niêm yết như hủy niêm yết, hay chia cổ tức, tính EPS, HOSE đều sử dụng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ để đánh giá và đưa ra quyết định.
Xét trên tiêu chí lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thì HAG không lỗ 3 năm liên tục 2017, 2018, 2019.
Phía doanh nghiệp cũng đã lên tiếng về việc không lỗ liên tục trong 3 năm này như báo chí đã đưa.