Trước đó (ngày 14/2/2014), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama) đã đề nghị tới Bộ Tài chính cách tính thuế TTĐB với ô tô nguyên chiếc và ô tô lắp ráp trong nước để không bất lợi cho xe lắp ráp trong nước. Cụ thể, nên áp dụng trị giá tính thuế chung cho xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước theo giá nhập khẩu có bao gồm cước vận chuyển và bảo hiểm (nếu có).
“Theo quy định hiện tại, xe sản xuất trong nước được tính thuế trên cơ sở giá bán buôn, bao gồm cả chi phí bán hàng. Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tính trên cơ sở giá CIF không bao gồm chi phí bán hàng. Quy định này đang gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước”, ông Jesus Metelo N. Arias, Chủ tịch Vama cho hay.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho hay, dù mức thuế suất thuế TTĐB với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hay ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cùng dung tích động cơ là như nhau và không có sự phân biệt, nhưng bởi thời điểm tính thuế đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước khác nhau, nên tiền thuế của xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải nộp cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Cụ thể, mức giá để tính thuế TTĐB với ô tô lắp ráp trong nước đã cộng thêm cả lợi nhuận của doanh nghiệp, cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý và một số chi phí khác.
Phản ứng trước đề nghị của Vama, 6 doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc cho rằng, cách tính thuế TTĐB như hiện nay là công bằng và đã cân nhắc chi phí liên quan cho việc tính thuế TTĐB với DN lắp ráp ô tô trong nước, cũng như nhà nhập khẩu xe chính hãng nguyên chiếc.
Sáu nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc cho hay, các đơn vị sản xuất và nhập khẩu xe nguyên chiếc tại Việt Nam là 2 đơn vị khác nhau hoạt động theo điều khoản hợp đồng. Giá CIF được sử dụng trong cách tính thuế TTĐB đã bao gồm các chi phí sản xuất và marketing, cũng như lợi nhuận khi bán cho nhà nhập khẩu.
Với các đơn vị lắp ráp tại Việt Nam, các đơn vị sản xuất ở nước ngoài đã tính phí bảo hiểm và vận chuyển các bộ phụ tùng. Các đơn vị sản xuất nước ngoài cũng nắm giữ quyền kiểm soát của các nhà lắp ráp xe qua việc trở thành cổ đông của doanh nghiệp. Bởi vậy, chi phí của bộ phụ tùng cộng với chi phí lắp ráp trong nước và chi phí
marketing là nền tảng cấu thành nên giá trị của sản phẩm cuối cùng. Dĩ nhiên, chi phí này đang được sử dụng để tính thuế TTĐB với xe lắp ráp trong nước.
Còn với các nhà nhập khẩu nguyên chiếc, giá trị tính thuế TTĐB hiện dựa trên chi phí của nhà sản xuất (chi phí bộ phụ tùng và chi phí lắp ráp) và chi phí marketing, cũng như lợi nhuận khi bán cho nhà phân phối. Một nhà lắp ráp cho hay, hiện tại, nhà nhập khẩu bớt được các chi phí vận chuyển trong nội địa Việt Nam, chi phí quảng cáo bán hàng, hoa hồng đại lý trong trị giá khi tính thuế, nên dù mức thuế như nhau, nhưng số tiền thuế phải nộp của hai chiếc xe tương đương giá trị ở nước ngoài là khác nhau.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban Hoạch định chiến lược (Công ty Ô tô Toyota Việt Nam) cho hay, với cách tính thuế TTĐB như đang áp dụng, giá xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc tương đương sẽ chênh lệch nhau khoảng 5%.
Mức chênh lệch 5% thoạt nghe có vẻ không lớn, nhưng nếu so với con số tổng chi phí và lợi nhuận khi bán một chiếc xe hạng sang là 10% mà một nhà nhập khẩu đưa ra gần đây, thì có thể thấy, mức chênh 5% là không nhỏ.
Có vẻ như nhiều thành viên của Vama cũng gặp phải tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” trước đề nghị này, bởi đang đi cả hai chân là nhập khẩu xe nguyên chiếc và lắp ráp ngay tại Việt Nam.
Hiện tại, do chênh lệch vẫn còn cao giữa thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN là 50% và thuế nhập khẩu linh phụ kiện cao nhất là 25%, nên hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam vẫn được nhiều doanh nghiệp triển khai. Tuy nhiên, các thành viên Vama cũng đang đồng thời nhập khẩu không ít mẫu xe nguyên chiếc. Với thực tế thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc thời gian tới sẽ hạ xuống, thậm chí về 0% vào năm 2018, tương lai của lắp ráp ô tô không phải là sáng sủa với tất cả doanh nghiệp lắp ráp ô tô.