Tốc độ ì ạch, chậm chuyến tới 60%
Thường xuyên dùng xe buýt để di chuyển, bà Lê Thị Thông (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) phàn nàn: “Điểm chờ xe buýt phía trước toà nhà chung cư 17 Tố Hữu không có mái che hay chỗ ngồi. Những hôm mưa, nắng, người chờ xe buýt thường xuyên phải chạy vào trú nhờ toà chung cư gần đó, rất bất tiện”.
Thực tế, trong hơn 3.000 nhà chờ trên mạng lưới tuyến xe buýt, số nhà chờ có mái che chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa kể, các nhà chờ xe buýt thường xuyên bị di chuyển, bị xâm phạm hay thu hồi. Và đây chỉ là một trong nhiều bất cập của dịch vụ xe buýt tại Hà Nội hiện nay.
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco), thậm chí còn dẫn nguy cơ xe buýt đang chết dần. Thành phố không thể mỗi năm cứ bỏ ra 1.000 tỷ đồng để trợ giá xe buýt, với mục đích tăng tỷ lệ người dân dùng xe buýt, giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc, nhưng xe buýt thường xuyên chậm giờ, khách bỏ, lượng vận chuyển sụt giảm.
Theo số liệu của Transerco, sau gần 15 năm liên tục tăng, từ 2015 tới nay, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí, một số thời điểm còn sụt giảm.
Dù số tuyến xe buýt đang tiếp tục được mở rộng thêm, nhưng 6 tháng đầu năm, tăng trưởng hành khách của toàn mạng lưới chưa đến 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Dù vẫn là sự lựa chọn của nhiều sinh viên, học sinh và người đi làm các tuyến cố định, song sức hấp dẫn của xe buýt ngày càng giảm sút.
Một phần nguyên nhân do tốc độ trung bình xe chạy ngày càng giảm, vật lộn giữa dòng xe cá nhân vào giờ cao điểm, tốc độ bình quân xe buýt Hà Nội chỉ còn dưới 20 km/giờ (năm 2010 tốc độ này khoảng 23 km/giờ).
6 tháng đầu năm, tỷ lệ xe buýt chậm chuyến (từ 10 - 20 phút/lượt) lên tới 50 - 60% tổng số chuyến, dẫn đến biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, thời gian chuyến đi kéo dài, tính hấp dẫn bị giảm đi rõ rệt.
Chưa kể, mỗi năm có khoảng 180.000 lượt xe buýt bỏ chuyến, quay đầu, huỷ cung cấp dịch vụ. Thái độ nhân viên phục vụ cũng là một điểm trừ của xe buýt Hà Nội. Xe buýt thường xuyên chạy ẩu, chạy nhanh kịp giờ về bến, có trường hợp hành khách chưa kịp xuống xe đã chạy dẫn đến bị xây xát người.
Loay hoay “giải bài toán xe buýt”
10 năm qua, Hà Nội đã tìm cách giảm tải áp lực phương tiện cá nhân thông qua việc đầu tư, phát triển các phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT số 1.
Tuy nhiên, tuyến buýt nhanh BRT sau 3 năm hoạt động đã không như kỳ vọng, trong khi tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến cuối năm nay mới có thể đi vào hoạt động, tuyến Nhổn - ga Hà Nội nếu đúng hẹn tiến độ lần 2 thì cũng cuối năm 2022 mới có thể vận hành.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hiện tỷ lệ đảm nhận vận chuyển của các loại hình vận tải khách công cộng tại Hà Nội như đường sắt đô thị chỉ... 0%, khá hơn một chút là buýt nhanh BRT chiếm 0,3%; xe buýt thường 12,2%; và taxi 2,1%.
Mỗi ngày, Hà Nội có đến 12 triệu lượt hành khách đi lại, nhưng giao thông công cộng, mà chủ yếu là xe buýt “gồng gánh”, cũng mới chỉ đáp ứng được 15%.
Với 85% nhu cầu đi lại còn lại, người dân vẫn phải di chuyển bằng xe cá nhân như ô tô, xe máy.
TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông cho rằng, vận tải công cộng phải đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân, khi đó mới có thể tính tới việc hạn chế phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy.
“Xe buýt BRT hiện đại nhưng lượng vận chuyển chưa nhiều do mới có 1 tuyến, metro lại làm quá chậm, nên xe buýt vẫn phải gánh phần lớn nhiệm vụ của vận tải công cộng Hà Nội trong 15 - 20 năm tới”, TS Thuỷ nói.
Theo một chuyên gia giao thông, nếu không cải thiện được tốc độ và tỷ lệ đúng giờ, xe buýt sẽ ngày càng mất khách. Để hỗ trợ xe buýt, không chỉ đơn thuần là trợ giá như hiện nay, mà cần tổ chức giao thông hợp lý hơn.
Một số tuyến đường có mặt cắt lớn như Nguyễn Trãi có thể bố trí làn đi riêng cho xe buýt. Bên cạnh đó, cần cải thiện hệ thống nhà chờ, chất lượng phương tiện, thái độ nhân viên phục vụ... để cải thiện hình ảnh xe buýt trong mắt người dân.
Đại diện Transerco cho biết, xe buýt giảm dần sức hấp dẫn chủ yếu do tốc độ quá chậm, không nhanh hơn so với xe máy, nên người dân không có lý do gì bỏ xe máy chọn xe buýt.
Vì vậy, để thu hút thêm người dân đến với xe buýt, mấu chốt là tăng được tính thuận tiện, từ tốc độ xe, hệ thống nhà chờ, mạng lưới phân bố các trạm xe buýt phù hợp.
“TP.Hà Nội đã có kế hoạch làm làn đường riêng cho xe buýt tại những tuyến đường có đủ bề ngang rộng, nếu điều này sớm triển khai thì tốc độ xe buýt sẽ được cải thiện hơn rất nhiều so với hiện nay”, đại diện Transerco cho biết.