Xây dựng nhà trên đất thế chấp, xử lý như nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, TAND TP Hải Phòng đã giải quyết phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam và bà Nguyễn Thị Hải (SN 1975, ở Hải Phòng).
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo đó, năm 2011, bà Hải vay ngân hàng 1 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động nhằm kinh doanh mành rèm, chăn ga, gối, đệm các loại. Bà Hải đưa 2 tài sản đảm bảo khoản vay trên gồm thửa đất 200 m2 ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đứng tên bà Nguyễn Thị Hải và thửa đất 120 m2 đứng tên ông Phạm Văn T.

Quá trình vay vốn, bà Hải vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng khởi kiện, buộc bà Hải phải thanh toán cả gốc và lãi là 2,8 tỷ đồng. Trường hợp bà Hải không thanh toán, ngân hàng đề nghị được kê biên, phát mại 2 tài sản trên.

Ông Phạm Văn T. không đồng ý phát mại nhà đất trên vì cho rằng, ông cho em gái - bà Hải mượn sổ đỏ. Tại thời điểm thế chấp đất, trên đất có căn nhà 4 gian do bố mẹ ông để lại. Năm 2013, vợ chồng ông đã phá ngôi nhà cũ để xây ngôi nhà 2 tầng kiên cố.

Năm 2020, tòa sơ thẩm đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ngân hàng, buộc bà Hải phải thanh toán số tiền 2,8 tỷ đồng. Ngân hàng có quyền yêu cầu kê biên, phát mại thửa đất 200 m2.

Ngân hàng kháng cáo bản án trên, yêu cầu được kê biên, phát mại cả thửa đất 120 m2.

Quá trình tố tụng, tòa phúc thẩm đã thẩm định tại chỗ toàn bộ diện tích đất trên và phát hiện những mâu thuẫn, thiếu sót của hợp đồng thế chấp tài sản này.

Theo tòa án, thửa đất trên cấp cho ông gia đình ông Phạm Văn T. gồm 7 thành viên nhưng khi ký hợp đồng thế chấp chỉ có 4 người đồng ý nên bị vô hiệu một phần theo Điều 135 Bộ luật Dân sự 2005.

Tòa án căn cứ vào Điều 223 Bộ luật Dân sự 2005; Đều 299, 320, 323 Bộ luật Dân sự 2015 xác định ngân hàng có quyền yêu cầu phát mại tài sản để thu hồi nợ trong phạm vi quyền lợi của 4 cá nhân trên.

Mặt khác, theo thẩm định tại chỗ có căn nhà 2 tầng xây dựng kiên cố trên diện tích 68,4 m2, trong đó xây trên đất của ông Phạm Văn T. là 31,6 m2.

Ngân hàng cũng cho biết không thẩm định, đo vẽ thực tế. Khi chủ tài sản xây dựng căn nhà trên, ngân hàng không biết. Ngoài ra còn phát sinh tài sản mới gồm sân bê tông diện tích 55 m2, tường bao sân, công trình phụ…

Tòa án phúc thẩm xác định ngân hàng và chủ tài sản đều có lỗi. Chủ tài sản không xin ý kiến ngân hàng dẫn đến việc nếu ngân hàng phát mại tài sản trên thì không bảo toàn được giá trị sử dụng của ngôi nhà.

Để giải quyết tình huống này và nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên, tòa án đã tuyên, trường hợp bà Hải không trả được nợ thì ngân hàng chỉ phát mại diện tích phần đất còn lại sau khi trừ diện tích đất đã xây dựng căn nhà trên. Theo tính toán, ngân hàng được quyền kê biên, phát mại diện tích 87 m2.

Tin bài liên quan