Điều kiện chín muồi cho quá trình thay thế
Như chúng ta đã thấy, thực trạng ngành dịch vụ tài chính đang thay đổi nhanh chóng, song liên quan nhiều hơn tới những thay đổi ở tầm vĩ mô hơn là một số vấn đề cụ thể về tài chính. Những thay đổi này tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của mô hình ngân hàng công nghệ mới và có thể được tóm tắt trong 3 điểm chính:
Thứ nhất, chi phí công nghệ thông tin: Thực tế, chi phí này đã giảm mạnh trong vài năm qua. 20 năm trước, bạn có thể phải bỏ ra 2 triệu USD chi phí cho công nghệ (microsystems, cơ sở dữ liệu Oracle, phần mềm...). Nhưng hiện nay, bạn chỉ mất 100 USD mỗi tháng cho điện toán đám mây với cùng một cơ sở hạ tầng công nghệ.
Thứ hai, thói quen tiêu dùng: Đã thay đổi trong 10 năm qua.
Thứ ba, khung pháp lý: Những quy định hiện nay khiến cho việc thành lập một ngân hàng trở nên rất dễ dàng tại một số nơi như Vương quốc Anh, cũng như được mở rộng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Singapore và Hồng Kông.
Với những thay đổi trên, chúng ta có thể kết luận rằng, rào cản tham gia ngành ngân hàng đã được loại bỏ rất nhiều trong hơn 20 năm qua, giúp việc thành lập ngân hàng trở nên dễ dàng hơn.
Hai thập kỷ hình thành ngân hàng kỹ thuật số
Để minh họa cho nhận định này, 20 năm trước, ngân hàng kỹ thuật số mới - Zebank nhận được 200 triệu USD đầu tư và phải mất 2 năm để duy trì 100.000 khách hàng. Điều gì đã thay đổi giữa thời đó và bây giờ? Bạn có thể đoán, hiện nay, có những ngân hàng có thể làm điều tương tự trong cùng một khoảng thời gian, nhưng với số tiền đầu tư ít hơn 20 lần.
Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của mô hình ngân hàng mới ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Mỹ, châu Âu đến châu Á, châu Phi. Một câu hỏi được đặt ra là: “Tại sao ở châu Âu, cụ thể là Vương quốc Anh, lại xuất hiện nhiều ngân hàng theo mô hình mới hơn so với phần còn lại của thế giới?”. Câu trả lời nằm ở hệ thống pháp lý. Vương quốc Anh có quy trình cấp phép 2 giai đoạn, giúp các công ty khởi nghiệp tham gia thế giới ngân hàng một cách dễ dàng với chi phí rất rẻ, nên rất nhiều ngân hàng theo mô hình mới được thành lập.
Một xu hướng đáng chú ý khác diễn ra ở hầu hết các quốc gia, đó là sự phát triển của ngân hàng chuyên ngành. Lâu nay, chúng ta vẫn quen sử dụng các ngân hàng với đầy đủ các loại hình dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng có thể lựa chọn cung cấp dịch vụ cho những đối tượng khách hàng mục tiêu riêng như trẻ em, thế hệ Millennials, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả với những đối tượng khách hàng không sử dụng dịch vụ ngân hàng. Mô hình ngân hàng này đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển. Xu thế này đang gia tăng mạnh mẽ khi chi phí ngân hàng ngày một giảm.
Xây dựng một ngân hàng từ vạch xuất phát, cách nào?
Trước hết, cần phải phân biệt được 2 mô hình ngân hàng có thể được xây dựng trong thời đại của FinTech. Một là “ngân hàng đầy đủ” - ngân hàng áp dụng mô hình ngân hàng truyền thống, cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ (tức là có giấy phép ngân hàng đầy đủ) và hai là Neo Bank - mô hình tương tự như một ngân hàng, nhưng có những đặc điểm khác biệt.
Sau đó, đơn giản hóa cách thức hoạt động của ngân hàng theo 2 luận điểm: i) Bạn tiêu tiền vào việc gì và ii) Bạn kiếm được bao nhiêu tiền: Chi phí - bạn sẽ tiêu tiền cho phần hoạt động và pháp lý; doanh thu - bạn sẽ kiếm được tiền khi có khách hàng, song điều này phụ thuộc vào mô hình doanh thu của bạn.
Bây giờ, làm thế nào để ghép 2 mô hình ngân hàng vào công thức chi phí - doanh thu?
Chi phí:
Đối với ngân hàng đầy đủ, bạn cần đặt vấn đề “phải tốn bao nhiêu chi phí để thành lập một ngân hàng”? Chi phí luật định khoảng 20 triệu USD (một phần là chi phí xin giấy phép và phần lớn trong đó là chi phí vốn) và chi phí hoạt động 40 triệu USD (chi phí cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ). Tổng cộng, bạn sẽ mất khoảng 60 triệu USD để xây dựng một ngân hàng kỹ thuật số của mình, rẻ hơn rất nhiều so với con số 200 triệu USD của 20 năm trước đây.
Đối với Neo Bank (ví dụ như Revolut Bank), nhìn bề ngoài có vẻ giống như các ngân hàng truyền thống, nhưng các ngân hàng này không sở hữu giấy phép thành lập ngân hàng, mà thay vào đó là giấy phép tiền điện tử.
Điểm khác biệt này được thể hiện rõ nét ở chi phí thành lập ngân hàng khi chi phí luật định thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 1 triệu USD và chi phí hoạt động cũng rẻ hơn 8 lần, khoảng 5 triệu USD. Tổng cộng, chi phí thành lập một ngân hàng Neo chỉ vào khoảng 6 triệu USD. Lý do là bởi các ngân hàng Neo là đơn ngành, cung cấp ít dịch vụ hơn so với ngân hàng truyền thống.
Doanh thu:
Một câu hỏi quan trọng mà các ngân hàng mô hình mới đang phải đối mặt, đó là lựa chọn mô hình doanh thu và cách thức kiếm tiền. Chi phí thì rất rõ ràng, nhưng cách thức kiếm tiền vẫn còn là một ẩn số. Bởi so với mô hình ngân hàng truyền thống, các ngân hàng theo mô hình mới có nhiều điểm khác biệt. Các ngân hàng truyền thống kiếm tiền từ 2 nguồn chính: Thu nhập từ chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay (chiếm khoảng 2/3 hay 65% tổng doanh thu) và thu nhập từ phí (phí giao dịch, chiếm khoảng 1/3 hay 35%).
Rất nhiều ngân hàng bắt đầu với việc thu phí giao dịch và không động tới phần thu nhập từ chênh lệch lãi suất. Song, câu hỏi đặt ra là liệu bạn có thể tạo dựng một doanh nghiệp lớn như vậy hay không? Các ngân hàng sẽ làm gì đối với nguồn dữ liệu khi có rất nhiều ngân hàng mô hình mới đang cố gắng kiếm tiền từ chính nguồn dữ liệu này?
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít công ty tài chính khởi nghiệp có thể kiếm tiền thành công từ dữ liệu. Credit Karma là một ngoại lệ hiếm hoi, sự tăng trưởng đã khiến Credit Karma trở thành một trong những công ty tài chính lớn nhất xét về số lượng người dùng ở Mỹ. Và vì vậy, xét về mặt doanh thu, các ngân hàng mô hình mới vẫn còn một chặng đường dài đầy thách thức trước khi có thể cạnh tranh với ngân hàng truyền thống.