Cảng quốc tế Long An có hơn 400.000 m2 kho, phục vụ nhu cầu vận chuyển và lưu kho hàng hoá Ảnh: Trúc Giang

Cảng quốc tế Long An có hơn 400.000 m2 kho, phục vụ nhu cầu vận chuyển và lưu kho hàng hoá Ảnh: Trúc Giang

Xây dựng Long An thành trung tâm logistics

0:00 / 0:00
0:00
Với lợi thế về vị trí địa lý, Long An đang nỗ lực đầu tư kết cấu hạ tầng để trở thành trung tâm dịch vụ logistics.

Cảng biển quy mô lớn khu vực phía Nam

Long An có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ kết nối các tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và miền Đông Nam bộ.

Bên cạnh vị trí thuận lợi, Long An có môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, kết cấu hạ tầng phát triển, quỹ đất công nghiệp dồi dào, với 62 cụm công nghiệp có tổng diện tích hơn 3.100 ha và 35 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Phát triển khu công nghiệp năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Hệ thống các khu công nghiệp này có tổng diện tích gần 12.000 ha, được bố trí giáp ranh TP.HCM trong bán kính 30 - 40 km, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mặt bằng và hạ tầng để nhà đầu tư đến triển khai dự án đầu tư nhanh chóng, thuận lợi.

Ngoài những yếu tố trên, Long An còn tăng thêm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi trên địa bàn tỉnh có Cảng quốc tế Long An - một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực phía Nam, hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu xuất - nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực.

Nằm trên luồng sông Soài Rạp, cách cửa biển 19 km, cách phao số 0 gần 40 km, cảng quốc tế Long An thuộc Nhóm cảng biển số 5 trong Quy hoạch Phát triển cảng biển Việt Nam, tọa lạc tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, do Tập đoàn Đồng Tâm làm chủ đầu tư.

Cảng quốc tế Long An nằm trong quy hoạch tổng thể gần 1.935 ha của 4 dự án: Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu đô thị Đông Nam Á Long An và Cảng Quốc tế Long An.

Trong đó, Cảng quốc tế Long An có diện tích 147 ha, chiều dài thủy diện 2,6 km, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng, bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu cầu cảng số 1 đến cuối cầu cảng số 7 là 1.670 m; 4 bến sà lan; hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác…Tất cả hạng mục cũng như hệ thống trung tâm điều hành đang được khẩn trương triển khai xây dựng đúng theo tiến độ hoàn thành vào năm 2023.

Cảng quốc tế Long An đã đưa vào hoạt động 3 cầu cảng với tổng chiều dài 630 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT cùng hơn 400.000 m2 kho, phục vụ nhu cầu vận chuyển và lưu kho hàng nông - thủy sản, phân bón, sắt thép… của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc Cảng quốc tế Long An đi vào hoạt động đã khiến Long An trở thành cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trong khu vực tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.

Hiện nay, chủ đầu tư Cảng quốc tế Long An đang hoàn tất thủ tục pháp lý nhằm mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 và 9 có thể đón tàu tải trọng 100.000 DWT. Sau khi hoàn thành, tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368 m, đạt công suất hàng hóa thông quan (trong giai đoạn vừa xây dựng vừa khai thác) 80 triệu tấn/năm. Cũng trong giai đoạn này, chủ đầu tư còn có kế hoạch xây dựng cảng chuyên dụng, phục vụ khai thác các tàu chuyên chở hàng lỏng, dầu/khí hóa lỏng.

Cảng quốc tế Long An đã đưa vào hoạt động 3 cầu cảng với tổng chiều dài 630 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT. Ảnh: Trúc Giang
Cảng quốc tế Long An đã đưa vào hoạt động 3 cầu cảng với tổng chiều dài 630 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT. Ảnh: Trúc Giang

Cửa ngõ thông thương hàng hóa của vùng

Với vị trí thuận lợi khi chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 38 km theo Quốc lộ 50, cách đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương khoảng 30 km, có dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành đi qua (hai huyện Bến Lức và Cần Giuộc), Cảng quốc tế Long An đóng vai trò là cửa ngõ thông thương hàng hóa giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM cũng như các tỉnh khác trong vùng Đông Nam bộ với cả nước và quốc tế.

Sự phát triển của Cảng quốc tế Long An không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn, mà còn góp phần giảm ùn tắt giao thông cũng như giảm tải cho cụm cảng tại TP.HCM, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, gián tiếp làm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng tăng cao của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo số liệu thống kê, mặc dù khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 90% gạo xuất khẩu của cả nước, 56% thủy sản xuất khẩu , 50% xuất rau xuất khẩu, nhưng chỉ có khoảng 20- 30% lượng hàng hóa được xuất khẩu qua các cảng trong vùng, phần hàng hóa xuất khẩu còn lại phải tiếp chuyển đến các cảng ở khu vực TP.HCM, miền Đông Nam bộ bằng đường bộ, đường thủy nội địa và vận tải ven biển. Sự bất hợp lý đó không chỉ làm tăng chi phí, thời gian, mà còn tạo thêm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ trong vùng vốn còn nhiều hạn chế.

Về phía tỉnh Long An, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ các khu, cụm công nghiệp với Cảng quốc tế Long An, tạo liên kết nội tỉnh, cũng như kết nối với TP.HCM và vùng lân cận, nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong giai đoạn 2015- 2020, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện “Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm” với danh mục gồm 14 tuyến giao thông huyết mạch nằm trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt kết nối đến cảng Long An và kết nối với các tuyến giao thông của TP.HCM, cùng với 3 công trình trọng điểm gồm đường tỉnh 830 (Đức Hòa - Tân Tập), Quốc lộ 50 và cảng Long An; đường Vành đai TP. Tân An; trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM. Trong đó, công trình trọng điểm đường tỉnh 830 nối liền 4 huyện công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến cảng quốc tế Long An đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Long An tiếp tục thực hiện thực hiện “Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh” với 8 công trình giao thông: đường tỉnh 826 E (đoạn từ giao 826 C đến cầu Cần Giuộc); đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến đường tỉnh 826 E; trục động lực Đức Hòa; Đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ vành đai 4 đến đường tỉnh 830)... Đồng thời, đầu tư 3 công trình trọng điểm là đường vành đai TP. Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (đoạn còn lại); đường tỉnh 827 E (giải phóng mặt bằng đoạn từ đầu tuyến đến sông Vàm Cỏ Đông); đường tỉnh 830 E (đoạn từ nút giao cao tốc đến Đường tỉnh 830).

Đặc biệt, đường tỉnh 827 E kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang sẽ là tuyến giao thông mang tính chiến lược. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này không chỉ tạo đột phá về hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ cho tỉnh Long An, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh duyên hải Tây Nam bộ là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đi TP.HCM cũng như kết nối với cảng quốc tế Long An trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu.

Những nỗ lực trong đầu tư cho hệ thống hạ tầng sẽ góp phần đưa Long An từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là đầu mối quan trọng cho hoạt động logistics của các tỉnh, thành phố phía Nam.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tỉnh Long An đã quy hoạch 6 trung tâm logistics gồm:

-3 trung tâm logistics đặt tại các xã Thanh Phú, Thạnh Lợi và Lương Hòa (huyện Bến Lức, với tổng diện tích khoảng 110 ha)

-Trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường,10 ha)

-Trung tâm logistics tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, 10 ha)

-Trung tâm logistics tại cảng quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc). Đến nay, trung tâm logistics tại xã Thanh Phú và tại Cảng quốc tế Long An đã đi vào hoạt động.

Tin bài liên quan