Giá cổ phiếu HBC luôn ở mức thấp do các hạn chế thể hiện trên báo cáo tài chính.

Giá cổ phiếu HBC luôn ở mức thấp do các hạn chế thể hiện trên báo cáo tài chính.

Xây dựng Hòa Bình (HBC): Vì sao cổ đông nội bộ đồng loạt mua vào?

(ĐTCK) Đúng thời điểm báo cáo tài chính quý II/2019 được công bố với kết quả kinh doanh cho thấy lợi nhuận giảm mạnh, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC - sàn HOSE) và một số cổ đông nội bộ đồng loạt đăng ký mua vào hàng trăm nghìn cổ phiếu HBC. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hải cho biết, việc ông và các thành viên chủ chốt đăng ký mua vào vì biết rõ giá trị của Công ty, dù trên thị trường có những lo ngại khi báo cáo tài chính của Công ty không đẹp. Giá cổ phiếu của HBC hiện đã xuống dưới giá trị sổ sách.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, trong kỳ, HBC có doanh thu thuần 5.324 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình trong quý này đạt 51,4 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của HBC suy giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ thị trường chung khi ngành bất động sản trầm lắng, thủ tục triển khai các dự án bị ách tắc.

Lợi nhuận của công ty mẹ đạt 100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận hợp nhất còn 51,4 tỷ đồng là do HBC hợp nhất công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản là Tiến Phát. Tiến Phát đang triển khai các dự án bất động sản với tổng lợi nhuận khoảng 250 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ được hạch toán khi bàn giao nhà từ năm sau. Trong khi đó, toàn bộ chi phí hoạt động lãi vay đầu tư của Tiến Phát đã phải hạch toán ngay trong kỳ. Việc hạch toán trước chi phí có thể coi như HBC có khoản lợi nhuận để dành từ đầu tư bất động sản sẽ được hạch toán khi bàn giao dự án vào năm sau.

Về hoạt động kinh doanh chính, ông Hải cho biết, sau thời gian chuẩn bị tới đây, Hòa Bình sẽ mua lại một công ty để triển khai đầu tư dự án tại Canada với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, gồm cả vốn vay, vốn huy động và một phần vốn góp của Hòa Bình. Đây sẽ là dự án mới thí điểm cho việc đặt chân vào thị trường Canada nói riêng và thực hiện chiến lược xuất khẩu dịch vụ xây lắp ra nước ngoài của Hòa Bình nói chung.

Hồi tháng 4, Hyundai Elerator thành viên của Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) đã chi 575 tỷ đồng mua 25 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của HBC, tương ứng 23.000 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu HBC giảm về 13.350 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần trước, đã chạm mức giá cách đây 3 năm (thời điểm cuối năm 2016). Đây là lý do các cổ đông nội bộ của HBC đồng loạt đăng ký mua vào. Ông Lê Viết Hải đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HBC từ ngày 3/8 đến 1/9. Ông Lê Quốc Duy đăng ký mua 200.000 cổ phiếu, ông Lê Viết Hiếu đăng ký mua 200.000 cổ phiếu, ông Lê Viết Hưng đăng ký mua 100.000 cổ phiếu, ông Nguyễn Hùng Cường đăng ký mua 200.000 cổ phiếu... Tổng cộng, nhóm cổ đông nội bộ Hòa Bình đăng ký mua 2,7 triệu cổ phiếu HBC, tương ứng hơn 1% lượng cổ phiếu lưu hành của Công ty.

Trong tuần trước, nhà đầu tư ngoại cũng tích cực gom mua vào cổ phiếu HBC. Phiên ngày 1/8, khối ngoại mua vào 1 triệu cổ phiếu và phiên ngày 5/8 mua vào 1,2 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường, có thông tin về việc nhà đầu tư ngoại đang gom cổ phiếu HBC để sở hữu số lượng cổ phần lớn. Ông Hải cho biết, ông chưa nhận được thông tin chính thức nào về việc này, tuy nhiên cũng có nghe qua các kênh không chính thức.

Là nhà thầu có vị thế lớn trên thị trường, nhưng giá cổ phiếu HBC luôn ở mức thấp do các hạn chế thể hiện trên báo cáo tài chính. HBC đang cố gắng cải thiện tình hình tài chính của mình bằng các biện pháp phát hành, kiên quyết thu hồi nợ. Tuy nhiên, với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, nguồn công việc bị thu hẹp, áp lực cạnh tranh cao hơn, HBC sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để thay đổi bức tranh tài chính song song với việc đảm bảo tăng trưởng doanh thu.

Tin bài liên quan