Tuy giá xăng dầu giảm mạnh nhưng cước vận tải vẫn có khả năng sẽ tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới
Phải chăng, các doanh nghiệp này coi thường phép nước hay nhiều địa phương thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”?
Năm 2014, sau khi giá xăng dầu liên tục giảm, Bộ Tài chính đã 3 lần có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn. Kết quả là, qua 3 lần đốc thúc, theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, đến ngày 6/1/2015, mới có 38/63 địa phương gửi báo cáo tình hình điều chỉnh giá cước vận tải.
Theo các báo cáo này, còn không ít doanh nghiệp chưa giảm cước, những doanh nghiệp thực hiện giảm giá cũng không phù hợp với mức độ giảm giá xăng dầu. Cụ thể, giá cước taxi giảm phổ biến 3-10%; giá vé xe khách (xe đò) giảm 5-10%, trong khi giá xăng, dầu đã giảm tương ứng hơn 30% và hơn 25% so với ngày 7/7/2014.
Doanh nghiệp vận tải đưa ra vô vàn nguyên nhân lý giải việc chậm giảm giá cước, trong đó có việc phải cần có thời gian để kẹp chì lại đồng hồ tính cước, in vé theo giá cước mới, thực hiện các thủ tục đăng ký giá, kê khai giá với cơ quan nhà nước... Nghe cách giải thích này, Bộ trưởng BTC, ông Đinh Tiến Dũng đã phải thốt lên rằng, khi giá xăng dầu tăng, cũng bằng ấy thủ tục, bằng ấy công việc sao “các ông ấy làm nhanh thế” và ngược lại.
Tâm sự của người đứng đầu ngành tài chính cũng là nỗi lòng của người dân. Còn nhớ, trong 7 tháng đầu năm 2008, giá xăng dầu tăng liên tục và mỗi lần xăng dầu tăng giá, cước vận tải đều tăng rất “nhịp nhàng”. Song kể từ tháng 8/2008 trở đi, giá xăng dầu giảm liên tục, nhưng việc giảm giá cước vận tải thường “lỗi nhịp” và giảm rất cầm chừng.
Một thí dụ khác, trong 5 tháng đầu năm 2014, giá xăng chỉ tăng 690 đồng, giá dầu diesel tăng 40 đồng, nhưng các doanh nghiệp vận tải viện lý do lỗ do giá nhiên liệu tăng, đã ồ ạt tăng giá cước. Kết cục là chỉ số giá giao thông tháng 4 và tháng 5/2014 tăng 0,33% và 0,89%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng chung chỉ tăng tương ứng 0,08% và 0,2%. Với mức tăng như trên, hiển nhiên các doanh nghiệp vận tải đã móc túi hàng tỷ đồng của người dân. Như vậy, có thể thấy rõ lời đáp cho câu hỏi vì sao doanh nghiệp giao thông phớt lờ chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Thực tế, việc quản lý giá cước vận tải đã được giao cho UBND cấp tỉnh và năm 2014, dù Bộ Tài chính đã 3 lần có văn bản đề nghị các tỉnh tăng cường quản lý giá, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm theo quy định theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, nhưng kể từ khi Nghị định 109 có hiệu lực đến nay, chưa thấy doanh nghiệp vận tải nào bị xử phạt, buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ tiền chênh lệch giá do vi phạm hành chính. Thậm chí, cũng chưa thấy doanh nghiệp nào vi phạm bị nêu đích danh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu địa phương không khẩn trương thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá cước vận tải và xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, thì nguy cơ cước vận tải sẽ tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, hàng chục triệu người dân lại bị móc túi trắng trợn. Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra bởi năm 2008, khi giá dầu giảm mạnh trong 4 tháng cuối năm, giá cước vận tải giảm rất hạn chế, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, giá cước vận tải tăng từ 20% đến 60% với lý do là vận tải hành khách vào dịp lễ, tết “thường chỉ có khách một chiều” (!?).